Nỗi nhớ mùa đông - những tiếng lòng đồng điệu

Gửi bởi: intrepid | Lượt xem: 5857

Những hoài niệm, day dứt, tiếc nuối về mùa đông của nhạc sỹ Phú Quang được ông trải lòng trong ca khúc Nỗi nhớ mùa đông đã nói hộ tiếng lòng của bao người.

Trong một chương trình talk show của VTV, khi được hỏi ông thích mùa nào nhất trong năm, nhạc sỹ Phú Quang đã chia sẻ: Tôi thích nhất những ngày cuối thu và đầu đông, vì nó rất là thu. Mùa thu là mùa tôi yêu nhất, sau đó yêu thứ hai là những ngày đông. Mùa đông làm cho con người ta co lại nhưng mà đủ sức để mình chiêm nghiệm về nhiều điều trong cuộc đời.

 

Nhạc sỹ Phú Quang

Ca khúc Nỗi nhớ mùa đông chính là tiếng lòng đồng điệu của  nhạc sỹ Phú Quang với nhà thơ Thảo Phương- một người có một tuổi thơ gắn bó với Hà Nội nhưng lại lập nghiệp ở Sài Gòn. Một nỗi buồn thao thiết nhớ về những mùa đông phương Bắc. Đó cũng là tiếng lòng của biết bao người khi phải chia xa quê hương, xứ sở, xa những cơn gió mùa đông bắc buốt giá nhưng đầy ắp kỷ niệm.

Nước Nga, ngoài kia tuyết đang rơi, cái lạnh cắt da cắt thịt, tôi nằm một mình trong căn phòng nhỏ, radio chợt vang lên một giọng ca trầm ấm, da diết: Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi/ Nằm nghe xôn xao tiếng đời/Mà ngỡ ai đó nói cười/Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy/Giờ đây cũng bỏ ta đi…  Bao kỷ niệm của những mùa đông xa, của tuổi thơ sống bên những người thân yêu đã ùa về. Những mùa đông rất khác, gió mùa đông bắc thổi lạnh buốt mà sao lại thấy ấm áp lạ lùng trong chiếc áo bông và vòng ôm của mẹ. Rồi, những buổi chiều dạo bước trên đường, lòng vương vấn bóng hình ai đi dưới hàng cây đang rụng nốt lá vàng cuối thu. Ôi những kỷ niệm xưa cũ thân thương, tất cả đã là dĩ vãng. Nhạc sỹ  Phú Quang như nói hộ tâm tư của tôi, từng lời của bài hát như đang diễn tả tiếng lòng của tôi…”. Đó là tâm sự của một người con xa xứ khi nghe  ca sỹ Tấn Minh hát Nỗi nhớ mùa đông.

       Mùa đông Hà Nội

Thêm một cảm nhận của người yêu nhạc Phú Quang: “Tôi  sinh ra, lớn lên tại Hà Nội nhưng lập nghiệp ở Sài Gòn. Nghe bài hát này qua radio vào một tối rất muộn, trời rất nóng bức nhưng tôi vẫn cảm thấy cái rét của từng cơn gió mùa đông bắc lùa vào lòng, một nỗi buồn da diết. Chợt thấy nhớ cồn cào, nhớ một điều gì đó vô định. Đó là những ngày xưa, một địa điểm vô định, con người vô định... hay chính là tôi của ngày xa xưa!”.

Ca khúc Nỗi nhớ mùa đông đem đến cảm giác sâu lắng, chứa nhiều kỷ niệm, tình cảm- đậm chất nhạc Phú Quang. Nghe xong rồi, có người thốt lên: thèm một cơn gió mùa, có người ước trở lại tuổi thơ, người già thì gật gù- đã đủ trải nghiệm để thấm thía được mùa đông của chính mình! Làm sao về được mùa đông/Dòng sông đôi bờ cát trắng/Làm sao về được mùa đông/Để nghe chuông chiều xa vắng/Thôi đành ru lòng mình vậy/Vờ như mùa đông đã về…

Cái cảm giác không thể trở về mùa đông quá khứ trên cây cầu mùa thu đã gẫy là một cảm giác cô đơn thật trọn vẹn, được gói lại trong khúc kết của bài hát: Làm sao về được mùa đông/Dòng sông đôi bờ cát trắng/Làm sao về được mùa đông/Mùa thu cây cầu đã gãy…Điệp khúc da diết Làm sao về được mùa đông như lời thúc giục những gì đẹp đẽ trong quá khứ quay trở lại, để rồi cuối cùng phải thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về.

Có nhiều giọng ca thể hiện thành công Nỗi nhớ mùa đông nhưng để lại dấu ấn trong lòng người nghe  phải kể đến các ca sĩ: Ngọc Tân, Thu Phương và Tấn Minh.

 
Nỗi nhớ mùa đông
Nhạc: Phú Quang; Thơ: Thảo Phương

Dường như ai đi ngang cửa,
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi.
Nằm nghe xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ ai đó nói cười
Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy
Giờ đây cũng bỏ ta đi.

Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về

Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Mùa thu cây cầu đã gãy
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về

Theo VTV.vn

Các bài viết khác:
Thảo Phương và “Nỗi nhớ mùa đông”
Thảo Phương và “Nỗi nhớ mùa đông”

Tôi còn nhớ, một buổi chiều cuối thu năm 1988, tôi gặp nhà thơ Thảo Phương trong một quán cà phê ở Sài Gòn. Sau mấy câu chào hỏi, chị đưa cho tôi đọc bài thơ “Không đề gửi mùa…

Đôi dòng về nhà văn Nguyễn Công Hoan - Cha đẻ của 2 nhân vật nổi tiếng
Đôi dòng về nhà văn Nguyễn Công Hoan - Cha đẻ của 2 nhân vật nổi tiếng "Lan & Điệp"

Nguyễn Công Hoan (6 tháng 3 năm 1903 tại Hưng Yên - 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội) là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam

 

Lan & Điệp - 2 nhân vật hư cấu nổi tiếng trong văn học Việt Nam
Lan & Điệp - 2 nhân vật hư cấu nổi tiếng trong văn học Việt Nam

Chuyện tình Lan và Điệp là một câu chuyện tình hư cấu nổi tiếng ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Câu chuyện tình này được nhiều người ví như một câu chuyện tình Romeo và Juliet hay "Lương Sơn Bá - Chúc…

Nghe bài hát

Hoàng Nhật Minh Bm

Lệ Quyên Dm

Tấn Minh Gm

Mỹ Linh Dm

Thu Phương Bm

Quang Lý Gm

Hồng Nhung C#m

Ngọc Tân Fm

Hợp âm ca khúc
Nỗi nhớ mùa đông

1. Dường [Am] như ai đi ngang [E] cửa, Gió [F] mùa đông bắc se [Am] lòng Chút [C] lá thu vàng đã [Dm] rụng Chiều [E7] nay cũng bỏ ta [Am] đi. 2. Nằm [Am] nghe xôn xao tiếng…