Cuộc tình không như mơ với "Cô láng giềng"

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 2488

Trong cuộc đời mỗi con người, dường như ai cũng có một cô hay một anh láng giềng để mà nhớ nhung, hoài niệm. Và Cô láng giềng - một ca khúc tiền chiến của cố nhạc sĩ Hoàng Quý đã chạm vào kí ức của bao lớp người, làm rung động bao tâm hồn yêu nhạc.

Cố nhạc sĩ Hoàng Quý là người Hải Phòng, sinh năm 1920. Ông là người yêu văn nghệ từ nhỏ nhưng không có tiền đi học nên thường leo tường nhìn vào vũ trường, vừa xem vừa học lỏm. Cuộc sống của ông khá chật vật, năm 16 tuổi, thân mẫu qua đời, là anh cả nên Hoàng Quý phải cáng đáng mọi việc, kể cả nuôi dạy, chăm lo cho các em. Ông sớm giác ngộ cách mạng, là một trong số rất ít nhạc sĩ tiên phong sáng tác hùng ca, lịch sử và nhạc cho thanh niên. Mặc dù là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng nhắc đến Hoàng Quý, mọi người đều nhớ đến nhạc phẩm Cô láng giềng. Bài hát gắn liền với tên tuổi của ông khởi nguồn từ một chuyện tình buồn.

Chuyện kể rằng, người con gái ấy có dung nhan mĩ miều. Cô được tôn vinh là hoa khôi của phố Cảng bấy giờ, không đếm xuể người si mê, thương thầm nhớ trộm. Hoàng Quý gặp cô như có sự an bài, đôi trai tài, gái sắc sớm dìu nhau đi vào cuộc tình thơ mộng. Dù vậy, Hoàng Quý vốn kín đáo, chuyện tình của ông hầu như không ai hay biết. Mỗi lần hẹn hò, họ lại thường đưa nhau ra ngoại ô nên người thân chẳng ai bắt gặp cặp đôi sánh vai bao giờ. Cô láng giềng là người trọng tài, lại mến phục tính nết biết hy sinh, lo lắng của người yêu nên lúc đó, dẫu có nhiều công tử con nhà giàu, quyền thế chức sắc trọng vọng theo đuổi vẫn một lòng yêu thương Hoàng Quý.

Được một thời gian, ông đã phải chia tay với "bóng hồng" của mình để bí mật tham gia Mặt trận Việt Minh, đi hoạt động cách mạng. Thỉnh thoảng ghé thăm nhà, ông có đến gặp người tình cho thỏa lòng nhung nhớ, để rồi sau đó lại lặng lẽ rời xa, dấn thân theo tiếng gọi quê nhà:

Hôm nay trời xuân bao tươi thắm
Dừng gót phiêu linh về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười

Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu...

Nhưng rồi, cuộc tình đẹp đó đã nhanh chóng tàn phai khi người con gái xinh tươi như hoa kia đã không chịu được cảnh cô đơn, chờ đợi. Cô láng giềng đã phụ tình người nghệ sĩ tài hoa, nghèo khó để chạy theo một kẻ thứ ba – vốn giàu sang nhung lụa săn đón cô nhiệt tình.

Ngày tổng khởi nghĩa, 19-8-1945, Hoàng Quý bất ngờ trở về. Ông vẫn chẳng hề hay biết người tình đã bạc lòng thay đổi. Nhưng, cái kim giấu kĩ trong bọc lâu ngày cũng lòi ra huống chi cả một sự gian dối lớn. Người con gái của Hoàng Quý đã quyết tâm sang ngang, ở một bến khác:
 
Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo
Chân bước phân vân lòng ngập ngừng
Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao
Tôi biết người ta đón em tưng bừng...
 

Có nỗi đau nào hơn khi một người tình si bị phụ bạc; khi lời hẹn ước đợi chờ bên hàng tường vi hôm nào vẫn còn vẳng bên tai:

Đành lòng nay tôi bước chân ra đi
Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi
Ghi chút tình em nói chờ đợi tôi
Đừng nói tới phân ly.

Hoàng Quý không nguôi nhớ về ngày xưa thân ái, nỗi buồn càng thấm đượm trong tim, những câu ca xuất tự đáy lòng:
 
Cô láng giềng ơi
Không biết cô còn nhớ đến tôi
Đến phút êm đềm ngày xưa kia
Khi còn ngày thơ…
 
Cô láng giềng ra đời trong hoàn cảnh ấy, trở thành nhạc phẩm bất hủ với thời gian.
 

Năm 1946, Hoàng Quý mắc bệnh nan y, ông vẫn không sao quên được cuộc tình đẹp phút chốc như khói mây ngang trời. Nửa năm sau, ông trút hơi thở cuối cùng, hưởng dương 26 tuổi. Trước phút lâm chung, người cũ có tìm đến xin thăm nhưng không được ông chấp thuận, vì lòng từ lâu đã coi như chết một cuộc tình. Hoàng Quý không muốn nhìn người phụ bạc, dù chỉ một lần thôi. Dù vậy, trong suốt mấy ngày diễn ra tang lễ, người ta có nhìn thấy cô láng giềng của Hoàng Quý đi lẫn trong đám đông đến tận phần mộ để ném được một hòn đất xuống. Cô đau xót vĩnh biệt con người cao quý từng hết mực yêu thương mình bằng tất cả niềm hối hận và tiếc thương sâu xa…

Theo vtv.vn

Các bài viết khác:
Sự tích Áo lụa Hà Đông
Sự tích Áo lụa Hà Đông

Những giai điệu trữ tình, mượt mà của ca khúc Áo lụa Hà Đông làm lay động tâm hồn của người yêu nhạc bao thập kỉ nay nhưng ít ai biết về hoàn cảnh ra đời khá độc đáo của…

Tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời...
Tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời...

Năm 1958,  Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc Ứớt Mi được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sàigòn năm 1959.. Thật ra, theo như lời Sơn kể lại thì trước đó Sơn cũng đã sáng tác một số bài…

Người du ca chính hiệu
Người du ca chính hiệu

Trịnh Công Sơn là một người du ca. Thế nào là người du ca?

Nghe bài hát
Hợp âm ca khúc
Cô láng giềng

Lời 1: Hôm [Dm] nay trời xuân bao tươi thắm Dừng [Bb] gót phiêu linh về thăm [Dm] nhà Chân [Bb] bước trên đường đầy hoa [Dm] đào rơi Tôi [Bb] đã hình [A7] dung nét ai [Dm] đang cười…