Nhạc sĩ Hồng Đăng và câu chuyện "Thành phố Hoa sữa"

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 2873

 Nhắc tới nhạc sĩ Hồng Đăng, công chúng thường nhớ tới ca khúc “Hoa sữa” – một ca khúc làm nên tên tuổi của ông cũng như đã khai sinh cho một loài hoa trở thành biểu tượng của thủ đô – Thành phố Hoa sữa…

Vẫn biết Hồng Đăng là một nhạc sĩ nổi tiếng, có hàng trăm bài báo viết về mình, thế nhưng nhạc sĩ nhận lời gặp tôi với tấm lòng hiếu khách của một người nghệ sĩ.

Nhà ông ở gần bờ đê sông Hồng trên đường Hồng Hà, Hà Nội – một ngôi nhà nhỏ, giản dị và chủ nhân luôn bận rộn với những cuộc viếng thăm của bạn bè, khách khứa.

Dù tuổi đã cao, nhưng khi nhớ về những ngày tháng lênh đênh trên những nẻo “giang hồ”, ông vẫn như đắm đuối trong những kỷ niệm, những cảm xúc giúp ông làm nên những tác phẩm để đời. Vì lẽ ấy mà Hồng Đăng đã thành người nhạc sĩ có nhiều giai thoại thú vị và một trong số ấy chính là câu chuyện ra đời ca khúc “Hoa sữa”.

Khi đạo diễn Đức Hoàn làm phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” đã mời ông viết nhạc cho bộ phim với yêu cầu có một ca khúc chủ đề. Suốt mấy tháng trời lặn lội theo đoàn làm phim nhưng mãi mà ông vẫn chưa tìm ra ý tưởng cho ca khúc.

Loay hoay tới tận ngày sắp vào thu thanh cho phim. Một hôm, có người bạn là cố nhà thơ Hương Trâm nói với ông rằng trên đường Nguyễn Du, Hà Nội có cây hoa sữa. “Lúc ấy, trong đầu tôi tự nhiên mường tượng ra những giai điệu, ca từ của ca khúc. Tôi vội vàng viết một mạch xong toàn bộ nhạc cho bộ phim và ca khúc Hoa sữa”.

Thế nhưng sau khi bộ phim ra đời, ca khúc khá “im hơi lặng tiếng”. Bẵng đi hơn chục năm sau, khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, ca sĩ Nhã Phương thu thanh và hát trên các sân khấu ca nhạc tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó nghệ sĩ Thanh Hoa hát ở Hà Nội và với giọng ca khắc khoải của Ca sĩ Thanh Lam trong đĩa nhạc “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” do Hãng phim Trẻ phát hành, “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng mới được “đánh thức” và nổi như “cồn”. 

“Thực ra lúc ấy tôi cũng chỉ mới nghe tên loài hoa sữa chứ không biết loài hoa đó màu sắc, hương vị ra sao. Cũng vì thế mới viết được câu: “Hoa Sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm…Có lẽ nào anh lại quên em…”.

Tuy nhiên một thời gian ngắn sau đó, xảy ra “hội chứng” hoa sữa từ Bắc vào Nam, các tỉnh thi nhau trồng hoa sữa, khiến mùi hương “ngọt ngào” đến ngộp thở. Lúc ấy nhiều người lại quay sang trách tác giả: “Chỉ tại cái ông Hồng Đăng mà thôi”, cha đẻ của ca khúc Hoa sữa phân trần một cách vui vẻ.

Hoa của thành phố ngàn năm tuổi

Phải nói rằng nhờ có ca khúc “Hoa sữa” mà một loài hoa không mấy người biết lại trở thành một biểu tượng trữ tình và nên thơ cho thành phố ngàn năm tuổi.

Dù sau này, nhiều tỉnh thành đua nhau trồng hoa sữa như một cách mang tình yêu Hà Nội về quê hương mình. Thậm chí có những cung đường mới mở ở nhiều nơi, đẹp mê hồn với hàng hoa sữa xanh non tơ, nhưng không nơi nào có được “chất” hoa sữa như ở Hà Nội.

Hà Nội với những hàng hoa sữa gần trăm tuổi khẳng khiu, cao lớn khép mình bên những ngôi nhà cổ, những quán nước vỉa hè đơn sơ của những con phố cổ đông người qua lại mang nét cổ trầm mặc của thành phố ngàn năm…

Mùa thu, những hàng cây hoa sữa già trở mình, nở bung những cánh hoa màu trắng xanh, li ti nhỏ như những chiếc đèn lồng. Mỗi khi gió heo may ghé về, hương hoa dịu dàng khắp lòng phố cổ trong đêm, khẽ đậu mình trên những con phố Hà Nội.

Những hàng hoa sữa ấy cũng đã đi vào tranh của những họa sĩ nổi tiếng trong đó có tranh Hà Nội của Bùi Xuân Phái.

Hoa sữa ở Hà Nội luôn khác biệt bởi sự  kết hợp đặc biệt giữa nền văn hóa, con người… Chỉ những ai đến Hà Nội, yêu Hà Nội và từng đi dưới những hàng hoa sữa ở Phố cổ như ở trên đường Nguyễn Du, Thụy Khuê, Quán Thánh… vào những đêm khuya và bình minh mới cảm nhận được rõ hương vị thanh nhã, yên bình của thành phố Hoa sữa nghìn năm tuổi ấy.

Bằng tài năng và tình yêu với Hà Nội, nhạc sĩ Hồng Đăng đã tạo nên một thương hiệu đặc biệt cho mảnh đất Hà Thành đương đại với cái tên trữ tình và thơ mộng.  

Chỉ bằng ca từ và giai điệu giản dị và ngắn gọn nhưng sâu lắng, người nhạc sĩ đã nói được vẻ đẹp của mảnh đất và con người Hà Nội qua tình yêu đắm đuối, đầy thi vị của người thiếu nữ Hà Thành.

“Kỉ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó

Những bạn bè chung, những con đường nhỏ.

Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm,

Có lẽ nào anh lại quên em,

Có lẽ nào anh lại quên em…”

Với khoảng 700 ca khúc và tác phẩm khí nhạc, trong đó gần nửa cuộc đời Nhạc sĩ Hồng Đăng dành để viết cho nhạc phim kể từ khi điện ảnh nước nhà ra đời với hơn 70 tác phẩm, ông là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.  

Nhiều ca khúc ông viết cho phim sau này đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập được công chúng yêu mến, như ca khúc Biển hát chiều nay (phim tài liệu về biển), Hoa sữa (phim: Hà nội mùa chim làm tổ), Nỗi nhớ đêm đại dương (Phim: Những hạt muối của biển), Lênh đênh (phim: Đời hát rong)…

Trong số đó “Hoa sữa” đã không chỉ làm nên thành công lớn lao cho sự nghiệp âm nhạc của ông mà còn góp phần làm nên niềm tự hào riêng cho người Hà Nội 40 năm qua.

Theo daotao.vtv

Các bài viết khác:
Sukiyaki (Ue o Muite Arukou) - Bài hát Nhật nổi tiếng thế giới
Sukiyaki (Ue o Muite Arukou) - Bài hát Nhật nổi tiếng thế giới

Sukiyaki (Ue o Muite Arukou) là một trong những ca khúc tiếng Nhật khá nổi tiếng được Toshiba phát hành đầu tiên năm 1961, ngay khi ra đời nó đã nhanh chóng được tạp chí "Cuộc sống âm nhạc" của…

"Ue o muite arukou" - Ngước lên trong bước đi

"Ue o muite arukou" (上を向いて歩こう nghĩa là "Ngước lên trong khi bước đi"?) là bài hát Nhật Bản được trình bày bởi ca sĩ Kyu Sakamoto (坂本九, Sakamoto Kyuu), do Rokusuke Ei viết lời và Hachidai Nakamura sáng tác nhạc. Bài này còn được biết dưới tên Sukiyaki,…

Mùa xuân làng lúa làng hoa
Mùa xuân làng lúa làng hoa

Và cho đến bây giờ "Mùa xuân làng lúa làng hoa" vẫn là một trong những ca khúc về mùa xuân, tình yêu thành công. Hơn thế nữa nó còn là nơi để mỗi người sinh ra, lớn lên hoặc…

Nghe bài hát

Nhã Phương Am

Lệ Quyên Cm

Mỹ Linh Bm

Thanh Lam Bbm

Mai Khôi Bm

Duy Quang Em

Hợp âm ca khúc
Hoa sữa

1. Em vẫn từng đợi [Am] anh Như hoa từng đợi [F] nắng Như [Dm] gió tìm rặng phi [G] lao Như [E7] trời cao mong [Am] mây trắng 2. Em vẫn từng đợi [Dm] anh Trên [G] những chặng…