Nhạc sĩ Hồ Bắc viết “Sài Gòn quật khởi” như thế nào?

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 3927

Có một giai điệu mà mỗi dịp 30/4 đến, nhiều người lại nhớ. Đó là ca khúc Sài Gòn quật khởi của nhạc sĩ Hồ Bắc: “Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn/ Khi con chim én báo mùa xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà, Sài Gòn ơi ta đang bước trên đường chiến thắng...”.

Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh ngày 8-10-1930, tại xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cha ông là một nhà báo tham gia cách mạng, mẹ ông cũng là con của một gia đình từng nuôi giấu chiến sĩ cách mạng. Những tháng năm tuổi thơ của Hồ Bắc gắn liền với ngõ xóm, đình làng và ông thích ca nhạc từ những ngày còn thơ bé. Đầu tiên là những làn điệu quan họ mượt mà của xứ sở Kinh Bắc, rồi đến những âm thanh của các gánh hát tuồng, chèo, cải lương về đình làng biểu diễn đã thấm dần vào tâm hồn, vào tuổi thơ của Hồ Bắc. 14 tuổi cậu bé Hồ Bắc đã được bố mua cho một cây đàn violon và tự mày mò học, rồi tập trung chơi các bản nhạc học lỏm được như Mielliom d’ Arlequin...

Xuất thân trong một gia đình không có ai theo nghề sáng tác âm nhạc, lại trong hoàn cảnh đất nước xảy ra chiến tranh, Hồ Bắc không được đào tạo một cách bài bản. Ông tự học nhạc qua sách vở là chính rồi tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1945 đã là cán bộ Việt Minh phụ trách thiếu nhi tuyên truyền cách mạng; 1946 lại sang Vĩnh Yên phụ trách. Sau đó được đi học lớp cán bộ phụ trách thiếu nhi (1946) và học văn hóa đến năm 1949. Trong thời gian học, Hồ Bắc đã đứng ra thành lập ban nhạc và sáng tác ca khúc như “Bầy chim non”, “Nữ sinh vui ca”, “Giờ vui chóng tàn”, “Mùa cưới”,...

Nhưng đến nay, mỗi khi nhắc tới nhạc sĩ Hồ Bắc, người ta nhớ ngay tới những tác phẩm đã đi cùng năm tháng như: “Ca ngợi Tổ quốc”, “Bến cảng quê hương tôi”, “Gửi Việt Trì thành phố ngã ba sông”, “Tổ quốc yêu thương”, và “Sài Gòn quật khởi”...

Viết “Sài Gòn quật khởi” khi chưa tới... Sài Gòn

Bây giờ thì nhạc sĩ Hồ Bắc đã chuyển tới sống ở khu chung cư mới, hiện đại hơn, nhưng tôi vẫn nhớ lần đầu ngồi trò chuyện với nhạc sĩ Hồ Bắc trong căn phòng ở tập thể Láng Trung, gần Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội. Buổi chiều hôm ấy, khi đó nhạc sĩ Hồ Bắc đã kể cho tôi nhiều kỷ niệm âm nhạc, gắn liền với sự nghiệp âm nhạc của ông.

Chất giọng nhẹ, khi ông kể về những bài hát đã góp phần làm nên tên tuổi ông, được nhiều khán thính giả cả nước biết tới, như “Bến cảng quê hương tôi” viết về vùng đất Hải Phòng, như “Ca ngợi Tổ quốc”... Giọng nhạc sĩ Hồ Bắc như da diết hơn khi tôi hỏi ông về ca khúc “Sài Gòn quật khởi”. Ông kể: “Tôi viết bài hát này trong không khí của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Khi đó, ngồi ở Hà Nội, nghe tin quân dân ta nổi dậy tôi cứ luôn nghĩ rằng vậy là miền Nam giải phóng đến nơi rồi”. Khi đó ông đã tới Sài Gòn lần nào chưa? – Tôi tò mò hỏi. Nhạc sĩ Hồ Bắc lại cười: “Lúc viết bài hát này, tôi chưa một lần được tới Sài Gòn, chưa biết Sài Gòn là gì cả, thậm chí cũng chưa đặt chân lên chiến trường miền Nam”.

Nghe nhạc sĩ kể đến đây, tôi chợt liên hệ tới Tố Hữu, khi viết một bài thơ về Điện Biên, nhà thơ cũng chưa đặt chân tới mảnh đất Điện Biên lịch sử. Hay cũng giống với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, ông viết ca khúc “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” ngay tại ngõ Trung Tiền (Khâm Thiên – Hà Nội) chứ nào đâu phải đặt chân tới Sài Gòn.

Nhưng trong tôi vẫn thoáng chút tò mò và ngạc nhiên, nên đã hỏi nhạc sĩ Hồ Bắc: “Vậy vì sao khi ấy mới 38 tuổi ông đã viết ca khúc rạo rực bước chân chiến thắng ấy?”. Nhạc sĩ Hồ Bắc vuốt mái tóc bạc, chậm rãi: “Đó là một điều kỳ lạ. Tôi lúc ấy, chỉ muốn viết một cái gì đó để thể hiện tình cảm của mình. Và chợt cảm hứng ùa đến, đó là không khí của cả nước ra trận, cảm xúc từ những năm 50 đi chiến đấu vào giải phóng các thị xã của vùng Đông Bắc, rồi ước nguyện hòa bình thống nhất đất nước của mọi người dân... Tất cả những cảm xúc ấy, cộng với nhiều tư liệu tích lũy khi đọc sách báo và xem phim tư liệu đã giúp tôi chỉ sau một đêm hoàn thành ca khúc “Sài Gòn quật khởi” để ngay sáng hôm sau gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Và ngay sau đó ca khúc này được Dàn hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng với sự lĩnh xướng của hai giọng ca Kim Oanh và Tuyết Nhung”.

Thật lạ, cái giai điệu của “Sài Gòn quật khởi” theo nhịp hành khúc hào hùng như cùng nhịp bước đầy khí thế của quân và dân miền Nam trên đường lật đổ chế độ Mỹ ngụy giải phóng quê hương, đất nước (Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn/ Khi con chim én báo mùa xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà, Sài Gòn ơi ta đang bước trên đường chiến thắng...) ấy lại được viết trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng những 7 năm. Và cho tới hôm nay, nhạc sĩ Hồ Bắc đã để lại cho đất miền Nam thành đồng Tổ quốc một ca khúc giàu ý nghĩa và xứng đáng trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Sài Gòn...

Theo baomoi.com

Các bài viết khác:
Gặp gỡ tác giả “Dù tình yêu đã mất”
Gặp gỡ tác giả “Dù tình yêu đã mất”

Có thể cuộc đời này vẫn còn chứng kiến tình-yêu-đã-mất hay tình-yêu-sẽ-mất ở đâu đó. Tình yêu đã mất là câu chuyện của riêng anh, nhưng không vì thế mà cản trở trái tim anh rung động dành cho tình…

Trịnh Công Sơn - Nối vòng tay lớn
Trịnh Công Sơn - Nối vòng tay lớn

Khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, người Việt khắp nơi xôn xao, từ trong nước đến hải ngoại. Bao nhiêu nhật báo, tuần báo, nguyệt san, tạp chí, tuyển tập đều đua nhau viết về ông, tiếc thương một nghệ…

Nhớ đến một người để nhớ mọi người
Nhớ đến một người để nhớ mọi người

Bây giờ viết điều gì về Trịnh Công Sơn đều rất dễ bị sáo bởi có quá nhiều người xưng tụng ông. Nhưng thôi thì cứ theo một câu ca của ông: “Nhớ đến một người để nhớ mọi người”,…

Nghe bài hát
Hợp âm ca khúc
Sài Gòn quật khởi

1. [Em] Rầm rập bước chân ta đi [D] rung chuyển đường phố [G] Sài Gòn [D] Khi con chim [Em] én báo mùa xuân [G] về Tin vui chiến [Am] thắng bay từ quê [C] nhà Sài Gòn [D]…