Màu thời gian - Thơ Đoàn Phú Tứ

Gửi bởi: kynguyen65 | Lượt xem: 6973

Được in trên báo Ngày nay, số Tết 1940, được coi là tiêu biểu cho sự đổi mới về cả hình thức lẫn nội dung, mà “Xuân Thu Nhã Tập” theo đuổi. Ngay sau đó, bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc và ca khúc được phổ cập nhanh chóng trong giới trí thức & học sinh, sinh viên. Thậm chí, ba mươi năm sau, bài thơ vẫn được nhạc sĩ Phạm Duy phổ và nổi tiếng qua các giọng hát Thanh Thúy, Khánh Hà, Ý Lan, Thái Hiền…

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió thanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa – Tần Phi!
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng Quân Vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát

 

 

Bài thơ Màu thời gian, thông qua những cách thể hiện độc đáo, đã cho thấy một quan niệm mới mẻ về thời gian – đối tượng đã được thơ cổ, thơ lãng mạn bàn tới. Nếu thời gian trong thơ cổ là thời gian tách khỏi con người, vô tình với con người, cứ bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, thời gian trong thơ lãng mạn là thời gian một đi không trở lại, cuốn đi những gì hiện hữu trước mắt (thời gian trở thành một thế lực huỷ diệt) thì ở đây – trong quan niệm tượng trưng – thời gian là thời gian nghiệm sinh, thời gian đã hoá thành cái nhìn nhận của chủ thể: thời gian không làm mọi vật biến mất mà là hình thức lưu giữ tình cảm con người. Tình người đã làm cho thời gian có hương, có sắc. Bên cạnh những tính từ chỉ tính chất thanh nhẹ là sự kết hợp thời gian xưa – nay (thời gian nay hiện về qua việc gợi nhắc thời gian xưa) tạo thành những cặp đang đối xưa – nay, phủ định – khẳng định: mối tình Tần Phi đã đứt đoạn nhưng tình một thuở còn hương, nghĩa là đã làm cho thời gian không còn lạnh nữa, mà thanh thanh, tím ngát. Đó là sự kết đọng, sự thoát hoá cho một vỉa tầng của tồn tại vĩnh cửu mà chủ nghĩa tượng trưng hướng đến. Chủ nghĩa tượng trưng cho rằng, thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh của thế giới vô hình. Đó là bản thể của tồn tại. Vì thế, muốn đến được thế giới ấy, nhà thơ phải bằng cảm nhận trực giác chứ không phải miêu tả trực cảm như các nhà lãng mạn. Nhưng cũng từ đây nảy sinh tính hai mặt, bởi khi các nhà tượng trưng đi sâu khai thác con đường này thì thơ họ càng trở nên bí hiểm, xa rời thực tế. Và, nhìn trong quá trình vận động không ngừng của văn học thì thơ tượng trưng đã khép lại ở một giai đoạn của lịch sử.

Đoàn Phú Tứ là một trong những tên tuổi quan trọng của Xuân Thu Nhã Tập – nhóm tác giả trình làng thơ năm 1942 có cùng tâm huyết về đổi mới cách tân thơ, đòi hỏi thơ phải có những cách biểu đạt mới, chú trọng tới nghệ thuật thể hiện. Ở bài thơ này, bằng những thể nghiệm tinh tế, có thể nói tác giả đã chạm đến cái “rung động siêu việt, trong trẻo và nhẹ nhàng”, đã làm cho thơ bước vào “nẻo đạo” của nhóm Xuân Thu.
Nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nổi lên như một ngôi sao sáng trên văn đàn thi ca, còn là một trong những người mở đầu cho nền sân khấu nước nhà, qua gần 20 vở kịch nói, được ông viết từ khi còn trẻ, trong vòng 10 năm. Đặc biệt vào năm 1937, khi mới 27 tuổi, Đoàn Phú Tứ đã gây tiếng vang lớn qua hai vở kịch “Ngã ba” và “Thằng cuội ngồi gốc cây đa”, đạt tới ngôi vị hàng đầu của đội ngũ kịch tác gia cùng với Thế Lữ, Vũ Đình Long lúc đó. Ông còn cùng với bạn bè lập ra ban kịch Tinh Hoa và còn cho ra đời tờ báo Tinh Hoa, với vai trò là chủ bút, tạo nên một không khí hào hứng sôi nổi cho những hoạt động sân khấu nước nhà vào đầu thập kỷ 40, thế kỷ trước. hình ảnh Đoàn Phú Tứ thêm một lần lừng danh khi là một trong 6 cái tên nổi tiếng như Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập vào năm 1942, với những tôn chỉ mục đích về sáng tác văn học nghệ thuật đổi mới. Xuân Thu nhã tập tìm cách tháo gỡ những bế tắc, từ cái “Tôi” quanh quẩn của đội ngũ văn học trẻ lúc đó, hướng tới cái “Ta” gắn kết với cộng đồng và những số phận bên ngoài cần quan tâm.
Sinh thời, ông sống nghèo khổ, thiếu thốn với người vợ hiền và đàn con nheo nhóc, mấy chục năm thuê nhà tại phố Châu Long, Hà Nội. Rồi đến lúc chủ nhà cần tiền phải bán đi, gia đình ông trôi dạt về cuối thành phố, tận bãi cát An Dương, bên sông Hồng, hồi 1984. Lại vẫn một ngôi nhà nhỏ, xây bằng gạch xỉ, lợp giấy dầu, nơi bùn lầy nước đọng quanh năm. Ông sống trong hoàn cảnh đó cho đến lúc mất. Nhưng những câu chuyện về ông luôn phảng phất đâu đó, ám ảnh, khuất lấp sau cái bóng lầm lũi và bên những chén rượu của một thời huy hoàng và không kém phần cay đắng…

Theo banmaihong.wordpress

Các bài viết khác:
Nhạc sĩ Hồ Bắc viết “Sài Gòn quật khởi” như thế nào?
Nhạc sĩ Hồ Bắc viết “Sài Gòn quật khởi” như thế nào?

Có một giai điệu mà mỗi dịp 30/4 đến, nhiều người lại nhớ. Đó là ca khúc Sài Gòn quật khởi của nhạc sĩ Hồ Bắc: “Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn/ Khi con…

Gặp gỡ tác giả “Dù tình yêu đã mất”
Gặp gỡ tác giả “Dù tình yêu đã mất”

Có thể cuộc đời này vẫn còn chứng kiến tình-yêu-đã-mất hay tình-yêu-sẽ-mất ở đâu đó. Tình yêu đã mất là câu chuyện của riêng anh, nhưng không vì thế mà cản trở trái tim anh rung động dành cho tình…

Trịnh Công Sơn - Nối vòng tay lớn
Trịnh Công Sơn - Nối vòng tay lớn

Khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, người Việt khắp nơi xôn xao, từ trong nước đến hải ngoại. Bao nhiêu nhật báo, tuần báo, nguyệt san, tạp chí, tuyển tập đều đua nhau viết về ông, tiếc thương một nghệ…

Nghe bài hát
Hợp âm ca khúc
Màu thời gian

Sớm [Em] nay tiếng chim [Am] thanh trong gió [G] xanh Dìu vương hương [Em] ấm [A7] thoảng xuân [Em] tình Ngàn [A7] xưa không lạnh [Em] nữa, Tần [B7] Phi ta lặng dâng [Em] nàng Trời mây phảng [G]…