Đài Phương Trang viết ca khúc "Hai mùa Noel" trong hoàn cảnh nào?

Gửi bởi: kynguyen65 | Lượt xem: 10304

Những ngày này, khi giai điệu da diết quyện với ca từ "mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường" cùng cái lạnh len lỏi khắp nẻo đường thành phố, tác giả của bài hát Hai mùa noel bất ngờ báo tin "Giáng sinh của chàng trai năm xưa không còn buồn nữa".


Tại quán cà phê ở Q.1, TP.HCM, nhạc sĩ Đài Phương Trang lên sân khấu trình bày ca khúc mới: Hai mùa Noel 2: “Hỏi em hai mùa Noel đã qua từ lâu, mà sao giai điệu mênh mang mãi luôn gọi nhau...”. Ngoài 70 tuổi nhưng giọng hát ông vẫn khỏe và còn tình cảm lắm, cứ thế “kể” tiếp câu chuyện tình dở dang của chàng trai năm nào. Ông nói: “Nếu ngày xưa, chàng trai ấy đau khổ bao nhiêu vì bị tình phụ, cô đơn bao nhiêu trong cái tê tái của “nửa đêm tan lễ bước anh bơ vơ trở về” thì hôm nay, trong Hai mùa Noel 2, anh ta đã vượt qua nỗi đau. Vẫn đi lễ nhà thờ nhưng chỉ “cầu xin ơn lành ban cho những mối duyên đời luôn được chung đôi mãi không chia rời”.

Nhạc sĩ cho biết bạn bè ai cũng hỏi ông: Chàng trai này có phải là tác giả không? Bởi chỉ khi rút ruột viết ra nỗi niềm của mình thì những lời ca, giai điệu ấy mới thấm vào lòng người và day dứt khôn nguôi đến thế. Không chỉ vậy đã 40 năm kể từ khi Hai mùa Noel ra đời, nó vẫn luôn được ngân vang cùng tiếng chuông giáo đường, vẫn luôn được xuất bản với nhiều giọng ca khác nhau của nhiều thế hệ ca sĩ: Anh Khoa, Như Quỳnh, Mạnh Đình, Tuấn Vũ, Vũ Khanh, Hương Lan, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly...


Rồi ông hóm hỉnh: “Tôi có thất tình bao giờ đâu, tất cả những chuyện tình buồn ấy đều viết cho bạn bè hoặc những người xa lạ mà tôi thấy, nghe được”. 40 năm trước, khi chở người yêu - là vợ ông bây giờ - dạo phố xem người ta đi lễ, ông vô tình bắt gặp chàng trai đứng tựa gốc cây gần nhà thờ Đức Bà (TPHCM) hàng giờ đồng hồ. 
“Tan lễ, khi mọi người về gần hết tôi vẫn còn thấy anh đứng đó. Hình ảnh này cứ ám ảnh trong tôi... 2 năm sau, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông gợi ý các tác giả viết bài Noel cho đĩa Giáng sinh của hãng Sơn Ca, tôi nghĩ ngay đến chàng trai trong đêm lễ ấy và hư cấu thành Hai mùa Noel”, ông nói.


Dù có nhiều sáng tác dành cho giáo đường nhưng nhạc sĩ thổ lộ: “Tôi không phải là người Công giáo, mà chỉ may mắn được hai người bạn thân tặng hai quyển thánh kinh. Có lẽ nhờ đó mà tôi viết nhạc Noel được khen tự nhiên như người có đạo”. Hỏi nhạc sĩ lâu nay toàn sáng tác để nói hộ tiếng lòng và an ủi người khác, có bao giờ ông viết cho chính mình, ông hào hứng mở tập ca khúc viết từ năm 2010, khoảng hơn 20 bài. “Đây mới là những tâm sự của tôi, cũng là nhạc tình hết đấy, được viết theo thể loại slow và boston”.

* Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn, có 3 người con. Ông từng là giáo viên dạy nhạc Trường Phú Định, Q.6 và hiện sống cung vợ tại Q.Bình Tân, 3 người con của ông cũng ở gần đó. "Khi mới học đàn, tôi chỉ chơi đàn những nơi có bạn bè là nam, vì cứ có nữ là tôi mắc cỡ không đàn được. Vậy nên khi bắt đầu sáng tác, tôi nghĩ ngay: Đàn Phương Trai, chỉ đàn nơi nào có con trai! Nhưng sau bạn bè lại bảo: tên gì đọc khô quá, rồi có ông bạn vui tính lái lại: hay là Đài Phương Trang đi, êm tai hơn nhiều" nhạc sĩ thổ lộ

Theo Mothegioi.vn
 

Các bài viết khác:
Chuyện tình Lan và Điệp
Chuyện tình Lan và Điệp

Chuyện tình Lan và Điệp là một câu chuyện tình hư cấu nổi tiếng ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Câu chuyện tình này được nhiều người ví như một câu chuyện tình Romeo và Juliet hay "Lương Sơn Bá - Chúc…

Trường ca Sông Lô
Trường ca Sông Lô

Trường ca Sông Lô được nhạc sĩ Văn Cao viết sau chiến thắng sông Lô năm 1947.

Những giai thoại quanh ca khúc
Những giai thoại quanh ca khúc "Bài thánh ca buồn" của nhạc sĩ Nguyễn Vũ

Có rất nhiều câu chuyện đã thành giai thoại xung quanh ca khúc nổi tiếng “Bài thánh ca buồn”. Nhưng nếu chưa một lần tiếp xúc với tác giả thì ít ai biết phần ca từ gốc của tác phẩm…

Hợp âm ca khúc
Hai mùa Noel

1. Mùa Noel [C] đó chúng [G] ta quen bên giáo [Am] đường [G] Mùa Noel [F] đó anh dắt em vào tình [Em] yêu [A7] Quỳ bên hang [Dm] sâu nghe lời kinh thánh vang [C] cầu Nhìn [Am]…