Trở lại Huế xưa: Một cõi Huế xúc động, bồi hồi…

Gửi bởi: intrepid | Lượt xem: 2328

Nếu ai đã từng có những tháng ngày sống ở Huế thì sẽ làm bừng dậy trong bạn những cảm xúc khó tả khi nghe ca khúc Trở lại Huế xưa (nhạc Quỳnh Hợp – thơ Mai Hữu Phước) – một âm hưởng Huế lắng sâu và da diết nhớ.

Đại Nội – Huế

Tiếng hát của ca sĩ Vân Khánh kéo tôi trở về với miền ký ức xa thẳm. Một thời dấu yêu với cõi lòng xao xuyến, tình tự ngập đầy.

Dường như xa rồi, tôi mới hiểu Huế, càng thương và nhớ Huế nhiều hơn. Tôi hình dung những chiếc lồng ấp đan bằng tre trong những ngôi nhà Huế.

Đôi bàn tay mẹ thằng bạn mong một chút ấm than hồng vùi dưới lớp tàn tro. Tôi hình dung những rặng mưng già hứng rét trên những cánh đồng xa với đàn trâu hiền lành lặng lẽ mà tuổi thơ tôi, bạn bè tôi một thời khốn khó. Và cả những con phố rêu phong đong đầy kỷ niệm chợt về gần gũi biết mấy!

Giọng Vân Khánh dịu dàng, thủ thỉ:

Yêu màu rêu cổ kinh thành Huế
Yêu nước dòng Hương chảy hiền hòa
Yêu những con đường xanh mướt lá
Chiều chiều ngơ ngẩn bước ai qua.

Huế nuôi dưỡng đời sống nội tâm của nhiều người bằng thời tiết? Huế ươm mầm thơ trữ tình da diết cho từng thế hệ bằng cảnh quan, đất trời, bằng buồn vui nhân thế, bằng chìm nổi sông Hương, bằng nắng mưa đỉnh Ngự theo năm tháng, đến rồi đi?

Đã nhiều người từng đến Huế, rời Huế để đến những miền đất khác. Vô vàn kỷ niệm, hồi ức về Huế đằm sâu trong tâm khảm mong được một lần bộc lộ, phát tiết trong văn học, bằng nghệ thuật, qua những cuộc hàn huyên với bạn hữu gần xa.

Có một “cái tình chi…” vương víu trong tâm hồn người Huế xa quê. Có lẽ chung nỗi niềm ấy nhà thơ Mai Hữu Phước đã thổ lộ:

Xa Huế lòng tôi nhớ Huế nhiều
Như là ai đó nhớ người yêu
Thoảng trong tiềm thức ngày vui cũ
Một khoảng trời thơ có bấy nhiêu

Cafe bên sông Hương (Festival Huế 2012)

Vâng, nhớ Huế đến nao lòng. Nỗi nhớ ăm ắp, tràn đầy kỷ niệm. Trở lại Huế, bạn sẽ nhận ra ngay Huế vẫn thế: với bún bò, cơm hến, mưa dầm, phượng đỏ, Huế với những lăng tẩm, răng tê mô rứa, Huế cao sang và nghèo hèn, Huế của những mối tình đài các và những thành kiến triền miên…  Huế chiếc nón bài thơ và Huế ngủ đò, Huế ở thì buồn xa thì nhớ, Huế Tôn nữ, Huế bình dân…và một Huế tươi mới hơn, rộn rã hơn vào những dip festival.

Tha thiết lòng tôi nhớ Huế xưa
Biết rằng chi mấy cũng chưa vừa
Những con đường cũ yên là thế
Nay rộn ràng trong tiếng hỏi đưa

Nếu đã một lần đến Huế bạn sẽ cũng bị xô giạt vào, cuốn hút vào, hòa nhập vào một cõi Huế xúc động đến độ bồi hồi.

Giai điệu bài hát phóng khoáng hơn nhưng có chừng mực, một sự dâng tràn nhưng vẫn dè dặt. Sâu lắng không khoa trương. Một nét chân chất, dịu dàng tế nhị, dễ thương và đa cảm. Sắc thái riêng biệt ấy của Huế đã làm xiêu lòng bao người:

Riêng với em là Huế Cố Đô
Trời mây đôi ngả biết mô về.
Giữ trong màu áo thiên thanh ấy
Một Huế như lòng tôi ước ao

Ai đến Huế có lẽ không bao giờ quên được nét mộng mơ, hiền dịu của Huế. Huế đẹp. Huế thơ. Huế mộng mơ, muôn hình muôn vẻ. Nhưng có lẽ cái đọng lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người đấy là mưa Huế. Huế vốn đã trầm buồn, cổ kính.

Mưa lại càng làm cho Huế thêm kỳ bí. Mưa Huế thật dịu dàng như nước mắt thiếu nữ. Cho nên dẫu mưa kéo dài âm ỉ, nhưng ai cũng mến, cũng yêu.

Người Huế nào mà không một lần đi dưới những cơn mưa ấy; đưa tay hứng lấy những giọt mưa ấy? Mưa Huế và người Huế gắn bó tri âm tri kỷ với nhau.

Người Huế có thói quen là ngồi trước hiên nhà nhìn ra sông Hương núi Ngự. Mưa như dát bạc, lấp lánh rơi xuống dòng sông. Dòng Hương Giang như có hàng ngàn viên kim cương tỏa sáng, lấp lánh ánh vàng. Núi Ngự sông Hương như một cặp trai gái tắm mình trong mưa thật tình tứ.

Đoạn cuối của bài hát đã đưa ta về một không gian rất đặc trưng ấy của  Huế trong điệu nhạc lãng đãng, man mác buồn ngập tràn một nỗi nhớ nhung da diết và lưu luyến dâng đầy vừa thầm kín vừa lãng mạn.

Đêm Huế mưa buồn lất phất bay
Tôi theo thầm lặng dáng em gầy
Để tìm một chút dư âm Huế
Mai mốt xa rồi em có hay ?

Giọng ca của Vân Khánh vừa dứt đưa tôi trở về với thực tại nhưng những hoài niệm, nhớ nhung ai kia và thấy nhớ Huế biết bao: nào bánh nậm, bánh ít bột lọc, nào nem, xôi vò, giọng Huế nặng, trầm, buồn mà không ngượng ngập, không bị chao lảng với vẻ tự nhiên, thân quen.

Huế đẹp với dáng vẻ duyên dáng riêng, một cái đẹp được kết hợp giữa thiên nhiên với những hứng khởi của con người trong sự tĩnh lặng siêu nhiên, đem lại sự thư thái cho trong tâm hồn con người.

Những lúc thấy lòng hiu quạnh, tôi muốn được về một mình ngồi bên sông Hương để mong tìm một chút nắng cho lòng. Mặt sông ngày nắng lên sao yêu kiều quá đỗi. Nắng từng sợi nhỏ mỏng manh, ấm nồng đôi bờ cỏ dại, soi xuống lòng sông lấp lánh…

 “Trở lại Huế xưa” để được trở về với cõi lòng mình, trở về với những hoài niệm nhớ nhung, để được ngồi một mình mải mê ngắm những cọng nắng vàng ở tận bên kia sông vắng.

Vòm trời trên cầu Tràng Tiền rực nắng, khiến lòng tôi chạnh nhớ một tuổi thơ hoa bướm, đôi chân nhỏ chạy theo cánh diều giấy sặc sỡ bay trên vòm trời ngổn ngang hương sắc…

 

Nguyên tác bài thơ

Mai Hữu Phước 

TRỞ LẠI HUẾ XƯA

Yêu màu rêu cổ kinh thành Huế

Yêu nước dòng Hương chảy hiền hòa

Yêu những con đường xanh mướt lá

Chiều chiều ngơ ngẩn bước ai qua.

 

Xa Huế lòng tôi nhớ Huế nhiều

Như là ai đó nhớ người yêu.

Thoảng trong tiềm thức ngày vui cũ

Một khoảng trời thơ có bấy nhiêu.

 

Tha thiết lòng tôi nhớ Huế xưa

Biết rằng chi mấy cũng chưa vừa

Những con đường cũ yên là thế

Nay rộn ràng trong tiếng hỏi đưa.

 

Riêng với em là Huế Cố Đô

Trời mây đôi ngả biết mô về.

Giữ trong màu áo thiên thanh ấy

Một Huế như lòng tôi ước ao.

 

Đêm Huế mưa buồn lất phất bay

Tôi theo thầm lặng dáng em gầy

Để tìm một chút dư âm Huế

Mai mốt xa rồi em có hay ?

Các bài viết khác:
"Hương Trinh đã tan rồi!"
“Hương trinh đã tan rồi!” câu hát ấy ở trong bài hát “Kiếp nào có yêu nhau” (1958) của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ từ bài thơ cùng tên của Minh Đức Hoài Trinh. Câu hát nghe thật buồn. Có…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông:
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: "Chiều mưa biên giới" là biên giới nào?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời để lại cho lòng người ái mộ âm nhạc những tiếc nuối. Một trong những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Chiều mưa biên giới được…
Mái tóc chị Hoài
Mái tóc chị Hoài
Má tôi tên Hoài. Nguyễn Thị Hoài. Chị Hoài. Người đã gây nguồn cảm hứng cho Bố Phạm Duy viết nên bản nhạc Mái Tóc Chị Hoài để tôi hát.
Nghe bài hát

Vân Khánh Bb

Lương Viết Quang F

Hợp âm ca khúc
Trở lại Huế xưa

1. Yêu [G] màu rêu cổ kinh thành [Em] Huế Yêu nước dòng Hương chảy hiền [D] hoà Yêu [Am] những con đường xanh mướt [Em] lá Chiều chiều ngơ [A] ngẩn bước ai [D7] qua 2. Xa [G] Huế…