Đường cày đảm đang - Bài ca đi cùng năm tháng

Gửi bởi: kynguyen65 | Lượt xem: 2978

Năm 1966, tại miềnNam, đế quốc Mỹ đưa quân ồ ạt vào để hà hơi tiếp sức cho ngụy quyền Sài Gòn. Tại miền Bắc, giặc Mỹ gia tăng chiến tranh phá hoại. Thanh niên trai tráng nô nức tòng quân ra tiền tuyến đánh giặc. Phụ nữ ở lại hậu phương sản xuất. Phong trào “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang” được khắp nơi hưởng ứng. Những năm tháng ấy, hàng loạt bài hát có âm điệu sôi nổi phản ánh hai phong trào nói trên, trong đó bài “Đường cày đảm đang” của nhạc sĩ An Chung được công chúng rất yêu thích.

“Từ ngày anh đi, việc nhà em giỏi giang. Ruộng cấy chăng dây cây lúa thẳng hàng, đào đắp mương dẫn nước quanh làng. Tiếng hát ba đảm đang…”. Nếu ai về nông thôn những năm tháng ấy thấy vắng bóng thanh niên trai tráng, bởi họ đã tòng quân ra chiến trường, chỉ còn lại người có tuổi và phụ nữ. Vậy nên mọi công việc nặng nhọc đều do chị em gánh vác. An Chung đề cập điều này trong bài hát thật tự nhiên: “Ở làng quê ta, cày bừa giờ gái thay trai. Từ luống cao đồng trũng ruộng ngoài, cày khéo tay nổi tiếng thôn Đoài, thay trai nay gái đua tài…”.

Trong các công việc của nhà nông, cày bừa - nhất là cày - là công việc nặng nhọc nhất, chỉ phù hợp với nam giới. Nhưng nay đàn ông ra trận hết, phụ nữ phải cáng đáng. Nhạc sĩ An Chung đã chọn công việc cày ruộng để thể hiện trong ca khúc của mình. Với nghị lực và trách nhiệm, với tình yêu thương hướng ra tiền tuyến, chị em đã vượt qua được mọi khó khăn bước đầu: “Ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay. Nhưng đến hôm nay trên cánh đồng này, màu xới lên thẳng tắp đường cày, lớp đất sâu đều tay…”.

(Hình ảnh mang tính minh họa) 

 

Điều khá thú vị là để biểu hiện một công việc rất nặng nhọc nhưng tác giả lại không tìm đến một giai điệu gân guốc, với tiết tấu khẩn trương, phù hợp với lao động mà bài hát lại có đường nét âm nhạc rất mềm mại, uyển chuyển. Đó là vì ông không nhìn vào việc mô phỏng không khí, động tác cày ruộng mà biểu hiện tâm trạng, tình cảm của người đang làm việc này. Những nốt luyến láy tinh tế, nhấn nhá rất đúng chỗ, tạo cho ca khúc một vẻ đẹp đầy nữ tính, mang đậm chất đồng quê. Để đạt được hiệu quả này, tác giả đã khai thác chất liệu dân ca đồng bằng Bắc bộ. Nhưng ông không lệ vào một làn điệu cụ thể nào mà chỉ lấy hơi hướng, màu sắc, mùi vị

Nhạc sĩ An Chung đã nhìn thấy niềm vui của người phụ nữ với công việc đồng áng trong ca khúc Đường cày đảm đang. Giai điệu rộn ràng, phóng khoáng: "Ở làng quê ta/ Cày bừa giờ gái thay trai/ Từ luống cao đồng trũng ngoài/ Cày khéo tay nổi tiếng thôn Đoài".

“Đường cày đảm đang” tuyên truyền cho một mục tiêu: “tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đó cũng là khẩu hiệu phổ biến ở khắp mọi nơi. Nhưng tuyên truyền như An Chung quả là rất cao tay, bởi bài hát với bút pháp khá điêu luyện đã khiến hàng triệu trái tim người nghe rung động. Trước đó, An Chung đã có một bài hát viết về đề tài đấu tranh thống nhất đất nước rất nổi tiếng là “Trăng sáng đôi miền”. “Đường cày đảm đang” tiếp nối mạch âm nhạc dạt dào cảm xúc, thắm đượm hồn dân tộc, tuy nhạc sĩ không dựa hẳn vào một làn điệu dân ca cụ thể nào.

(Hình ảnh mang tính minh họa) 

 

Có một thực tế không ai có thể quên nếu đã sống những năm tháng bài hát ra đời. Đó là cuộc sống khó khăn, vất vả ở hậu phương miền Bắc, đặc biệt là những miền quê, đòi hỏi mỗi người dân phải gồng mình để hoàn thành công việc gian khổ nhưng vui, lạc quan. “Đường cày đảm đang” biểu hiện được sâu sắc, sinh động cả hai điều đó.

Nghe bài hát, ta bắt gặp đúng tâm hồn, tình cảm của người nông dân Việt Nam nói chung, của người phụ nữ Việt Nam nói riêng từ hàng ngàn đời được hiện ra trong ca dao, dân ca. Đó là một dân tộc ngoan cường trong chiến đấu chống trả giặc ngoại xâm và lạc quan, lãng mạn trong tình cảm, ý thức sâu sắc về phận sự, trách nhiệm công dân.

Tác giả bài hát là một tài năng sớm tắt khi đang ở thời kỳ sung mãn nhất của cuộc đời sáng tạo nghệ thuật. An Chung qua đời lúc 51 tuổi (ông sinh năm 1931, mất năm 1982). Những năm tháng khói lửa của chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng “Đường cày đảm đang” của An Chung mãi còn in dấu trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng./.


Nguồn từ bài bài của Nhạc sỹ Nguyễn Đình San trên trang baicadicungnamthang.net

Các bài viết khác:
Hello San Jose (Chào San Jose)
Hello San Jose (Chào San Jose)
Tình Muộn – Hoài Trang Phim dựa trên sự thật về một chuyến đi San Jose, California của người ca sĩ khả ái Hoài Trang
'Mùa thu lá bay' và câu chuyện cảm động của ca sĩ Kim Anh
'Mùa thu lá bay' và câu chuyện cảm động của ca sĩ Kim Anh
Tâm sự trong buổi giao lưu ca sĩ Kim Anh nói với người hâm mộ: “Tôi cho rằng, những đau nghén, những đắng cay, những ngã rẽ cuộc đời của tôi đã làm vun xới thêm gia vị giọng hát…
Trở lại Huế xưa: Một cõi Huế xúc động, bồi hồi…
Trở lại Huế xưa: Một cõi Huế xúc động, bồi hồi…
Nếu ai đã từng có những tháng ngày sống ở Huế thì sẽ làm bừng dậy trong bạn những cảm xúc khó tả khi nghe ca khúc Trở lại Huế xưa (nhạc Quỳnh Hợp – thơ Mai Hữu Phước) –…
Nghe bài hát

Thu Hiền D

Phạm Phương Thảo Eb

Anh Thơ D

Hồng Năm D

Thanh Huyền F

Thanh Hoa F

Hợp âm ca khúc
Đường cày đảm đang

1. Từ ngày anh [C] đi việc đồng [Dm] em giỏi [C] giang Ruộng cấy [Am] chăng dây cây [Dm] lúa thẳng hàng Đào đắp mương dẫn [G] nước quanh làng [Am] Tiếng hát ba đảm [G] đang (ư). Ở…