Cha đẻ của bản nhạc Bolero đầu tiên và mối tình "ngược sáng" với 2 người con gái

Gửi bởi: intrepid | Lượt xem: 3950

Nắng chiều được coi là ca khúc đầu tiên của dòng nhạc Bolero và đến nay, sau gần 70 năm, ca khúc này vẫn giữ nguyên sức hút. Ra đời từ những ngày đầu Bolero đến Việt Nam nên Nắng chiều mang giai điệu trẻ trung chứ không bi lụy. Nắng chiều là một ca khúc lạ, nhanh chóng trở thành tình ca châu Á nhờ hai người đẹp gặp một thoáng, yêu một thoáng.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.

Ca khúc Bolero đầu tiên của làng nhạc Việt

Bolero xuất phát từ Tây Ban Nha, do nhạc sĩ Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780, vốn là điệu nhạc nhảy. Sau đó, nó du nhập vào châu Âu nhưng lại không được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, khi du nhập vào các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ, Bolero lại được đón nhận nồng nhiệt, bởi gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ Latinh và trở thành thể loại âm nhạc của quần chúng.

Những năm 1950, Bolero du nhập vào Việt Nam. Nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam khi ấy đã nhanh chóng thẩm thấu điệu thức này và biến nó thành dòng nhạc tình ca. Ca khúc Bolero đầu tiên chính là Nắng chiều do nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác. Nắng chiều được đánh giá là bản tình ca nổi tiếng của thế kỷ 20.

Nắng chiều được sáng tác năm 1952 và được thu thanh lần đầu tiên năm 1953. Qua giọng hát của danh ca Minh Trang, ca khúc mang giai điệu Rumba Bolero đã cuốn hút người nghe. Khi ấy, Nắng chiều là ca khúc phủ sóng trên đài phát thanh, các quán bar và trong mỗi ngôi nhà.

Ca khúc mang giai điệu mềm mại, mượt mà, lúc khoan thai khi êm dịu. Vì vậy mà, nó dễ dàng chiếm được tình cảm của người nghe. Nhiều người nhật xét, để có thể gieo nên những ngôn từ đậm chất hình ảnh như “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa/Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa... Anh nhớ xót xa dưới tre lá ngà/Gợn buồn nhìn anh, em nói mến anh/Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi/Nhớ em dịu dàng nắng chiều ngừng trôi”, Lê Trọng Nguyễn phải là người rất yêu văn chương. Quả đúng như vậy, tất cả các ca khúc của Lê Trọng Nguyễn đều rất sâu lắng. Ca từ trong các nhạc phẩm của ông luôn mượt mà, giàu hình ảnh và đẫm chất thơ.

Với giai điệu mượt mà, ca từ giàu hình ảnh của Nắng chiều, người ta nghĩ, Lê Trọng Nguyễn phải ấp ủ lâu lắm, nhưng không, theo tiết lộ của chính tác giả, ông hoàn thành ca khúc này trong 30 phút. Những cảm xúc yêu thương cứ thế tuôn chảy dạt dào đã giúp Lê Trọng Nguyễn dâng hiến cho làng nhạc Việt một tuyệt phẩm trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục.

Nắng chiều không chỉ chinh phục khán thính giả Việt mà còn vươn ra ngoài biên giới. Năm 1957, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn xin phép dịch bài hát sang tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca và thu thanh ở Tokyo. Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan Kỷ Lộ Hà cũng đã gặp Lê Trọng Nguyễn để xin phép hát và thu thanh ca khúc bằng tiếng Quan thoại. Sau đó, Nắng chiều còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với sự thể hiện của nhiều ca sĩ. Ngày ấy, Nắng chiều trở thành bài Á châu tình ca.

Sau Nắng chiều, Lê Trọng Nguyễn tiếp tục sáng tác thêm 2 ca khúc theo phong cách này là Bến giang đầu (Nắng chiều 2) và Chim chiều không tổ. Dù không nổi tiếng bằng Nắng chiều, nhưng nó vẫn được công chúng đón nhận nồng nhiệt và góp phần hình thành một dòng nhạc mới cho âm nhạc Việt.

Từ năm 1955 trở đi, miền Nam phát triển rầm rộ các tình khúc mang âm hưởng Bolero. Tuy nhiên, giai điệu của các ca khúc Bolero không còn nhanh, phóng khoáng như của Mỹ Latinh mà được làm chậm lại, dung hợp với phong cách dân ca Nam Bộ với giai điệu là cung thứ. Người khởi đầu cho dòng Bolero phong cách mới này chính là “Vua Bolero”, nhạc sĩ Trúc Phương. Sau đó, nhiều nhạc sĩ khác cũng dùng Bolero để viết tình ca và hình thành hẳn một dòng nhạc Bolero trữ tình, đặc sắc, gần gũi với đông đảo người nghe nhạc. Đến tận ngày nay, sau gần 70 năm, Bolero vẫn có chỗ đứng vững chắc trong làng nhạc Việt.

Nắng chiều và những bóng hồng

Không giống như nhiều bản tình ca khác, phía sau ca khúc Nắng chiều không phải một bóng hồng mà có đến hai. Cô gái đầu tiên của Nắng chiều chính là mối tình thơ của Lê Trọng Nguyễn những ở Hội An. Khi ấy, gần nhà Lê Trọng Nguyễn có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn ra Hội An tá túc. Gia đình ấy có một cô con gái xinh đẹp đang ở độ tuổi xuân thì. Trai tài gái sắc gặp nhau, bén duyên và nhanh chóng yêu say đắm. Theo tác giả, đó là mối tình đẹp và mong manh như một cánh hoa, nên chỉ bên nhau được ít lâu, họ phải chia tay.

Một thời gian sau, Lê Trọng Nguyễn cũng bỏ Hội An ra Huế. Ở đây, anh có người bạn thân Vũ Đức Duy, là cháu họ bà Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại). Lê Trọng Nguyễn thường cùng bạn đến thăm bà Từ Cung ở cung An Định và chính trong những chuyến đi này Lê Trọng Nguyễn gặp được thiếu nữ họ Hoàng, hoa khôi của đất thần kinh. Trong một buổi chiều ngồi bên hồ ngắm sen, Lê Trọng Nguyễn bất ngờ nhìn thấy một bóng dáng thướt tha đi “ngược sáng” trong ánh tà dương. Nhìn “cô này”, bất giác Nguyễn... nhớ “cô kia” quá đỗi! Không có tài liệu nào nói về chuyện Lê Trọng Nguyễn yêu thiếu nữ họ Hoàng, nhưng có một điều chắc chắn, cô gái ấy là “thứ bột”, là tác nhân giúp người nhạc sĩ tài năng bật lên tứ nhạc: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa. Khi đến cuối thôn chân bước không hồn. Nhớ sao là nhớ, bóng người ngày xưa...”.

Ở Huế, Lê Trọng Nguyễn còn chơi thân với nhóm bạn văn nghệ (Minh Trang, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Hiền, Kim Tước...) nên khi bản Nắng chiều được xuất bản, Minh Trang chính là người hát và thu âm đầu tiên. Ngay từ ngày đầu lên sóng phát thanh, Nắng chiều đã tạo nên cơn sốt và sau đó được phổ biến rộng rãi.

Liên quan đến ca khúc Nắng chiều còn có hai người con gái ngoại quốc, đó là ca sĩ Midori Satsuki và ca sĩ Kỷ Lộ Hà. Năm 1957, ban nhạc Toho Geino (Nhật Bản) sang Việt Nam lưu diễn, và họ đã nhờ phía Việt Nam chọn 12 ca khúc đang nổi tiếng trong nước để hát “giao lưu” với khán giả. Khi ấy, nữ ca sĩ xinh đẹp Midori Satsuki đã thể hiện ca khúc Nắng chiều và được khán giả Việt hoan hô nhiệt liệt. Trước hiệu ứng tốt từ khán giả, Midori Satsuki đã chuyển lời bài hát sang tiếng Nhật. Trong suốt nhiều năm, đây là ca khúc được coi là bản nhạc “tủ” của Midori Satsuki.

Nữ ca sĩ Nhật Bản Midori Satsuki.

Từ cái “duyên” do Nắng chiều đem tới, Midori Satsuki và Lê Trọng Nguyễn đã gặp nhau và ngay từ lần đầu tiên, họ đã rất “tâm đầu ý hợp”. Thời gian Midori Satsuki ở Việt Nam, họ thường xuyên gặp gỡ và đã có nhiều kỷ niệm đẹp. Khi nữ ca sĩ trở về Nhật, cả hai vẫn giữ liên lạc qua thư từ.

Một nữ nghệ sĩ nổi tiếng khác cũng có duyên với Nắng chiều chính là Kỷ Lộ Hà. Năm 1960, cô đến Đà Nẵng trình diễn và khiến khán giả Việt Nam bất ngờ khi Kỷ Lộ Hà thể hiện ca khúc Nắng chiều bằng tiếng Hoa. Trong chuyến biểu diễn ấy, Kỷ Lộ Hà đã đến gặp nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn để xin phép sử dụng.

Cũng giống như Midori Satsuki, ngay từ lần gặp đầu tiên, Kỷ Lộ Hà đã ấn tượng với sự lịch thiệp, nho nhã của người nhạc sĩ tài năng. Mặc dù Lê Trọng Nguyễn chưa bao giờ lên tiếng thừa nhận nhưng nhiều người cùng thời với ông tiết lộ, “Đại ca nương” Kỷ Lộ Hà không chỉ ấn tượng mà còn bị Lê Trọng Nguyễn hớp hồn. Chính vì vậy, sau những lần gặp gỡ ở Việt Nam, bà thường xuyên thư từ tâm sự với ông.

Theo Đời sống & Pháp luật

Các bài viết khác:
Nhạc sĩ Lê Dinh: Sống trọn
Nhạc sĩ Lê Dinh: Sống trọn "kiếp tằm nhả tơ"

Nhắc đến Lê Dinh, người ta sẽ nhớ đến một nhạc sĩ sở hữu gia tài âm nhạc đồ sộ với các sáng tác bất hủ, làm mê đắm lòng người.

Tác giả và tác phẩm: Nhạc sĩ Châu Kỳ với ca khúc Giọt lệ đài trang
Tác giả và tác phẩm: Nhạc sĩ Châu Kỳ với ca khúc Giọt lệ đài trang

Chương trình Tác giả & Tác phẩm giới thiệu về nhạc sĩ Châu Kỳ của Trung tâm Asia

Tác giả và Tác phẩm: Nhạc sĩ Trúc Phương với ca khúc Thói đời
Tác giả và Tác phẩm: Nhạc sĩ Trúc Phương với ca khúc Thói đời

Chương trình Tác giả & Tác phẩm giới thiệu về nhạc sĩ Trúc Phương của Trung tâm Asia

Hợp âm ca khúc
Nắng chiều

1. Qua [C] bến nước [Am] xưa [F] lá hoa về [G7] chiều Lạnh [C] lùng mềm [Am] đưa trong nắng [Dm] lưa thưa [G7] Khi [C] đến cuối [F] thôn chân bước [C] không hồn Nhớ [Dm] sao là…