Kỷ niệm boléro

Gửi bởi: intrepid | Lượt xem: 2167

Giữa mùa nước nổi phương Nam, tôi lại về Cần Thơ. Cái thành phố mang danh Tây đô, ngày càng phát triển, ngày càng tươi đẹp. Những đường xưa nay đã được mở rộng, những công trình mới đang vươn lên, những chiếc cầu đã được xây dựng. 

Tây đô khoác lên mình một bộ áo mới - bộ áo của phồn vinh, hạnh phúc và hiện đại nhưng vẫn giữ được nề nếp của người phương Nam - chất phác, chân thành, hồn nhiên trong nếp nghĩ, nếp sống.

Lòng tôi thoáng một chút hoài cổ. Tôi ra đầu cầu bắc xưa - con đường duy nhất để người xe đi về vùng nam sông Hậu, lòng thầm mong gặp những chiếc phà cũ, chở đầy người và xe cộ qua lại Vĩnh Long - Cần Thơ.

Ngày nay, cây cầu Cần Thơ hiện đại đã vẽ một đường thẳng cho người và xe về nam sông Hậu, tiết kiệm được khá nhiều thời gian so với ngày xưa qua bắc. Ấy vậy mà sao lòng tôi vẫn hoài niệm về những chuyến phà cũ, về tiếng gầm gừ của xe cộ khi lên xuống đầu ponton, về tiếng nhạc phát ra từ những chuyến xe đò, tiếng rao bán hàng rong trên bắc.

Thế nhưng, cái khiến lòng tôi nhớ nhất vẫn là hình ảnh của những người nghệ sĩ giang hồ - những con người không xuất thân từ một trường lớp âm nhạc nào cả, cầm cây guitare ngồi hát boléro trên đầu cầu bắc Cần Thơ. Họ chơi nhạc vì họ yêu âm nhạc, họ chỉ chơi một điệu boléro vì điệu nhạc này dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ nghe.

Họ chơi nhạc bên lề đường, không choán lối của người đi bộ hay đi xe gắn máy. Họ hát những bài tình ca giản dị, âm vực không rộng với cách phát âm Nam bộ chân phương nhất. Họ không chìa bàn tay ra, không nói với ai một lời xin giúp đỡ. Ai đi qua đó nghe họ hát, thơm thảo thì dừng lại chia sẻ cho họ một, hai ngàn đồng. Khách cứ vậy tự động bỏ đồng bạc vào chiếc thau hay chiếc nón lật ngửa trước mặt họ, không cần nghe một tiếng cám ơn nào.

Người nghệ sĩ giang hồ không bao giờ ngừng bài hát lại, ngừng một vài ô nhịp để nói lời cám ơn sự chia sẻ. Họ chỉ gật đầu, ánh mắt thoáng lên niềm vui nhưng tiếng ca theo giai điệu boléro cứ đi mãi, đi mãi đến cuối bài. Tôi gọi họ là những nghệ sĩ giang hồ bởi lẽ họ đem lời ca, tiếng nhạc đến với cuộc đời nhiều khi không phải là vì miếng cơm manh áo.

Nếu muốn có cơm áo, họ có thể bỏ cây guitare đi, cầm lấy cây phảng dài phát cỏ một ngày bảy tiếng đồng hồ đã có thể kiếm được một trăm ngàn đồng cho vợ con mua gạo. Còn đây, họ ra đầu cầu bắc ngồi đàn và hát từ bình minh cho đến đêm khuya. Tiếng hát của họ hàm chứa biết bao nhiêu nỗi trắc ẩn, lòng yêu thương về cuộc sống.

Tôi được đi một vài nước trên thế giới và được thấy hình ảnh những nghệ sĩ người nước ngoài đứng hoặc ngồi trên hè phố chơi nhạc. Những nhạc cụ của họ khá sang như các loại kèn saxophone, clarinette, trompette; các loại đàn accordéon (phong cầm - đàn gió), violin, violon, cello…

Phần lớn, họ chơi nhạc không lời, ai muốn chia sẻ cứ đến tặng chút tiền cho họ. Nhiều người chơi nhạc trên phố còn chuyên nghiệp hơn nhiều nhạc công chơi nhạc trên sân khấu hay trong phòng trà. Ấy bởi vì họ chơi nhạc để có nguồn sống.

Tôi lại nghĩ đến những nghệ sĩ giang hồ Mexico. Họ lập ra những nhóm tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu lang thang qua những thị trấn, những miền quê chơi đàn, ca hát để phục vụ mọi người. Ai thơm thảo thì gửi cho họ một vài đồng peso. Những ban nhạc này đã phổ cập hóa các điệu thức boléro, rumba, calypso,  chachacha, baiao, mambo… vào lòng công chúng.

Tôi lại nghĩ đến những nghệ sĩ giang hồ nước Nga. Họ chơi accordéon và balalaika rất tuyệt. Tiếng phong cầm du dương, tiếng balalaika dây sắt réo rắt hòa quyện vào nhau, chỉ cần hai người thôi đã hình thành được một ban nhạc. Nhưng tuyệt nhất là họ vừa đàn vừa múa. Điệu thức Kalinka khi khoan khi nhặt, khi trầm lắng, khi rộn ràng được họ vừa đàn vừa múa khiến khán giả bình dân nông thôn cùng vỗ tay, cùng múa theo.

Âm nhạc chính quy xuất hiện từ trường nhạc, lên sân khấu, lên truyền hình và vào trong băng đĩa. Nó cần đến hiệu ứng âm thanh, ánh sáng. Âm nhạc bình dân xuất hiện trên đường phố, giữa làng quê. Âm nhạc bình dân là một thứ âm nhạc lãng mạn, không kén người nghe, không cần sân khấu, cũng chẳng có âm thanh, ánh sáng để làm hiệu ứng.

Loại âm nhạc thứ hai này hình thành một khái niệm mà tôi tạm gọi là “văn hóa âm nhạc đường phố”. Những nghệ sĩ giang hồ trên cuộc sống này đã làm nên loại hình văn hóa đó, đưa âm nhạc sống về với cộng đồng bình dân.

Nói như vậy có nghĩa là những nghệ sĩ giang hồ chơi boléro ngày nào trên bến bắc Cần Thơ hay các bến bắc khác ở miền tây Nam bộ như Vàm Cống, An Hòa, Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Tắc Cậu, Cao Lãnh, Vàm Láng… đã làm nên một loại hình văn hóa âm nhạc đường phố Nam bộ.

Chính họ chứ không phải là các hãng băng đĩa, ban nhạc, ca sĩ đã phổ cập hóa boléro vào trong tâm hồn người bình dân phương Nam, biến dòng nhạc của Tây Ban Nha trở thành điệu thức Nam bộ rặt ròng.

Còn nhớ tháng 11.1994, đoàn Công tác xã hội của Báo Thanh Niên về miền Tây giúp đỡ bà con vùng nước nổi trong khu Tứ giác Long Xuyên. Khi chiếc xe của chúng tôi từ Vĩnh Long qua Cần Thơ đang bị kẹt bắc, tôi xuống phà đi bộ qua mé Cần Thơ trước.

Bên cầu bắc Cần Thơ, tôi gặp ông Sáu Hạnh, một nghệ sĩ giang hồ, ngồi chơi guitare và hát những bài boléro của Trúc Phương. Hỏi: “Sao anh Sáu chỉ chơi boléro không vậy?”, ông trả lời: “Boléro dễ hát, dễ nghe ông à. Trúc Phương viết nhạc boléro vì tình yêu, tui hát nhạc boléro của Trúc Phương vì nguồn sống”.

Câu nói giản dị của ông Sáu Hạnh hát rong trên bắc Cần Thơ đã khiến tôi suy nghĩ nhiều. Hôm sau, công việc cứu trợ xong, chúng tôi về lại Cần Thơ nghỉ ngơi. Đêm ấy, tôi viết ca khúc Boléro qua bắc Cần Thơ để chia sẻ tâm tình với người nghệ sĩ giang hồ trên bến bắc.

“Chiều buông trên bến bắc Cần Thơ/Có người nghệ sĩ ôm cây guitare và chơi boléro/Dòng sông sông trôi mãi không về/ Tiếng guitare buồn/Mênh mang mênh mang cũng đi mãi không về/Ơi anh nghệ sĩ giang hồ/Tiếng anh ca có làm đời vơi khô héo/Và khách sang sông có dừng lại nghe anh hát/Cho tiếng guitare vang trên dòng Hậu Giang mênh mông”.

Tôi ghé thăm nhạc sĩ Trúc Phương, nói lại những lời ông Sáu Hạnh nói với tôi trên bến bắc và hát cho anh nghe bài boléro mới của mình. Trúc Phương lúc ấy gầy ốm lắm, nghe tôi hát mà mắt rơm rớm. Tôi nói đùa: “Anh khoan vội xa tụi em, đợi em thu xong bài hát cho anh nghe đã nhé!”. Một năm sau, ca khúc mới được thu thanh với tiếng hát Bích Phượng thì anh Trúc Phương đã qua đời.

Để tưởng nhớ Trúc Phương, tôi copy mấy chục đĩa có bài Boléro qua bắc Cần Thơ, in thêm mấy chục văn bản ca khúc, đi khắp nơi có cầu bắc ở miền tây Nam bộ, gặp người nghệ sĩ giang hồ nào cũng tặng cho các anh nghe và dùng để hát chơi. Dẫu sao, các anh có thêm một ca khúc boléro hát phục vụ cho bà con qua bắc kiếm thêm một vài ngàn đồng, bà con qua bắc có thêm một ca khúc mới để nghe thì cũng là điều tốt cho cuộc sống.
Ngày ấy, chưa nghe ai nói đến boléro, chưa nghe đài phát thanh, truyền hình nào hát nhạc boléro và cũng ít ca sĩ hát boléro. Không hiểu âm nhạc boléro có cái gì sai quấy mà người ta sợ đến như vậy? Thế nhưng tôi vẫn viết boléro, ai không nghe thì bà con bình dân Nam bộ và tôi nghe, ai không hát thì những người nghệ sĩ giang hồ bên các cầu bắc hát. Bây giờ, người ta tôn vinh boléro, khen ngợi boléro Nam bộ. Than ôi, chuyện ấy xưa như trái đất, “phò mã” boléro đã tốt áo từ lâu rồi.

Theo Thanh Niên

Các bài viết khác:
'No matter what' - Tình yêu cuối cùng của Boyzone
'No matter what' - Tình yêu cuối cùng của Boyzone
No matter what một sáng tác của bộ đôi tác giả nổi tiếng nhất trong thế giới nhạc kịch: Andrew Lloyd Webber và Jim Steinman và là bài hát thành công nhất của Boyzone, nhóm boysband người Ireland, khi vào năm…
Boyzone - No Matter What
Boyzone - No Matter What
"No Matter What" là một bài hát từ vở nhạc kịch năm 1996 Whistle Down the Wind và trở nên nổi tiếng với bản hát lại của nhóm nhạc người Ireland Boyzone để quảng bá cho vở kịch trong lần…
昴 - Subaru bản dịch tiếng Nhật sang Anh
昴 - Subaru bản dịch tiếng Nhật sang Anh

Bản dịch tiếng Nhật sang Anh & Việt

Nghe bài hát

Bích Phượng Cm

Hợp âm ca khúc
Bolero qua bắc Cần Thơ

1. Chiều [Am] xuân trên bến bắc Cần [C] Thơ Có người hành [Am] khất ôm cây ghi-[Dm]ta và chơi [E7] bolero [Am] Dòng [Dm] sông, sông trôi mãi không [G] về Tiếng ghi-ta [E7] buồn, mênh mang mênh [G]…