Từ lúc vắng em nên anh thường buồn

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 4132

Khoảng mười năm trước, tôi có phỏng vấn nhạc sĩ Huỳnh Anh để phát thanh trên chương trình radio mang tên Văn Nghệ Hoa Vàng. Nội dung câu chuyện khá dài gần một tiếng đồng hồ, ông nói chuyện rất thoải mái và do đó tôi hiểu thêm về cuộc đời văn nghệ của ông.

Tôi ở San Jose còn ông thì cư ngụ tại San Francisco cách nhau khoảng một giờ lái xe. Thỉnh thoảng nhạc sĩ Huỳnh Anh xuống San Jose tham dự những buổi văn nghệ cộng đồng. Ông có lúc đàn dương cầm, có lúc hát và giọng ca của ông cũng truyền cảm, diễn tả với phong cách của một nhạc sĩ lão luyện từng ở trong ban nhạc trình diễn phòng trà Sài Gòn những năm xưa. Một lần, thay vì hát nhạc của chính mình, tôi nghe ông trình diễn bài Còn Chút Gì Để Nhớ, thơ Vũ Hữu Định nhạc Phạm Duy, kể cũng là lạ.

Cách đây gần mười năm, anh em văn nghệ có tổ chức một đêm nhạc chủ đề 50 Năm Nhạc Huỳnh Anh ở khách sạn Le Baron cũ, khách tham dự đông đảo. Một điều thú vị là cũng đêm này nghệ sĩ Thành Được tổ chức đêm 50 năm ca hát tại sân khấu Santa Clara Theater và cũng không còn ghế trống. Hỏi ra thì mạnh ai nấy tổ chức, khi biết là cùng ngày giờ thì đã lỡ mướn chỗ rồi, không đổi được nữa. Tôi đều quen cả hai người cho nên đêm đó phải đi dự cả hai bên.

Tôi nói đùa với bạn bè rằng hai người nghệ sĩ này thời còn trẻ đều yêu nghệ sĩ Thanh Nga, coi như là tình địch thì về già cũng còn đấu với nhau.

Nhắc tới Thanh Nga thì nhớ tới bài hát Mưa Rừng của Huỳnh Anh, bài hát diễn trong vở tuồng cải lương cùng tên mà cô đào thanh sắc vẹn toàn này đóng vai chính và cô đã hát bài này. Hát một bài tân nhạc trong một vở cải lương là một điều hiếm thấy và ca khúc Mưa Rừng đã rất thành công, trở thành giai thoại văn nghệ đẹp đẽ.

Huỳnh Anh là con trai của nhạc sĩ Sáu Tửng, một danh cầm cổ nhạc miền Nam. Có lẽ dòng máu cổ nhạc Nam Bộ trong người cho nên những nhạc phẩm nổi tiếng của ông có bàng bạc nét buồn man mác này.

Tháng 2 năm 2013, Lê Huy trưởng ban nhạc Phượng Hoàng khai trương phòng ca nhạc Phoenix Center ở San Jose có mời ông và nhiều bằng hữu văn nghệ. Nhạc sĩ Nam Lộc lên sân khấu kể rằng thời di tản năm 1975, ở trong trại tị nạn anh sáng tác bản Sài Gòn Vĩnh Biệt và nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh chép dùm nhạc. Tôi có dịp trò chuyện và chụp chung bức hình với ông. Mấy tháng sau trong một lần điện thoại với nhạc sĩ Lê Dinh ở Canada thì ông bảo là nên tổ chức cho tác giả Mưa Rừng một đêm nhạc vì sức khỏe ông ấy yếu lắm. Cách đây hơn một tháng tôi gọi điện thoại thăm thì ông bảo là có người sẽ tổ chức và ông chuẩn bị đi xa, đợi về rồi mới tính. Đó là lần tiếp xúc cuối cùng.

                        
           Trần Chí Phúc và nhạc sĩ Huỳnh Anh, tháng 2- 2013 - Ảnh Huỳnh Minh Nhựt


Và ông đã ra đi vào chiều thứ sáu 13/12/2013 ở tuổi 81, kể ra cũng là thọ đối với cuộc sống nghệ sĩ lang bạt giang hồ như ông.

Bồ Giang Công Tử có viết một bài đăng trên tờ báo Nghệ Thuật do Lê Dinh chủ trương ở Montreal, số 125 tháng 8/2004 tựa đề là "Huỳnh Anh - Gã Giang Hồ Trong Âm Nhạc" khá nhiều chi tiết thú vị. Tác giả bài báo là Nguyễn Thái Dũng, một bằng hữu tôi quen ở Calgary đã nghe nhạc sĩ kể chuyện văn nghệ khi ông qua Montreal thăm Lê Dinh.

Phan Anh Dũng đã thực hiện một trang chủ đề về nhạc sĩ Huỳnh Anh trên Cỏ Thơm Magazine, quí vị có thể vào trang mạng này để nghe những ca khúc và một số bài viết về ông.

Chương trình radio Văn Nghệ Hoa Vàng phát thanh sẽ thực hiện nhạc chủ đề Huỳnh Anh trên làn sóng 1120AM Thứ Bảy 21/12/2013 với một vài giọng ca ở San Jose để tưởng nhớ ông.

Chương trình có bài Mưa Rừng do chính tác giả hát nghe thật buồn như những giọt mưa trong một buổi chiều rừng núi, có Nếu Ta Đừng Quen Nhau, có Thuở Ấy Có Em, Đời Tôi Chỉ Yêu Một Người, Em Gắng Chờ là bài hát đầu tay mang âm hưởng thời tiền chiến, Loan Mắt Nhung nhạc viết cho phim và có mấy bản sáng tác ở hải ngoại như Thành Phố Sương Mù là San Francisco nổi tiếng nơi ông đã sinh sống với nghề lái tắc xi, có biển thơ mộng để sáng tác bản Biển Đêm, có Rừng Chưa Thay Lá phổ thơ Hoàng Ngọc Ẩn.

Sự nghiệp sáng tác của Huỳnh Anh khoảng 20 ca khúc, báo chí đã gắn liền ca khúc Mưa Rừng vào tên của ông, dễ nghe, dễ hát và dễ nhớ.

Và tôi chọn thêm nhạc phẩm thất tình Thuở Ấy Có Em: "Từ lúc vắng em nên anh thường buồn, hay lang thang ngoài đường nhỏ không tên".

Có lẽ sáng tác văn nghệ cũng ứng vào kiếp sống tác giả. Tôi nghĩ tới những năm lang bạt của ông với chiếc tắc xi chở khách đến nhiều con đường của thành phố dễ thương San Francisco.

Sinh ra ở Cần Thơ, thủ phủ miền Tây Nam Bộ, với sông nước hữu tình năm 1932 và nằm xuống cuối năm 2013 tại thành phố sương mù có biển núi nên thơ San Francisco, và sẽ làm lễ hỏa táng tại San Jose- Thung Lũng Hoa Vàng với sự tham dự của giới nghệ sĩ ca nhạc từ các nơi về; sự dừng bước giang hồ cũng mang thêm chất thi vị cho cuộc đời nhạc sĩ Huỳnh Anh.

Trần Chí Phúc - San Jose 18/12/2013

Theo Cothommagazine

Các bài viết khác:
Ngó lui mấy chặng đường Lệ Đá
Ngó lui mấy chặng đường Lệ Đá

Nhạc phẩm “Lệ Đá” trước hết không phải là một bài thơ phổ nhạc. Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của nhạc sĩ Trần Trịnh.

Cuộc đời, vũ trường và âm nhạc
Cuộc đời, vũ trường và âm nhạc

Không những là một nhạc sĩ sáng tác, Trần Trịnh còn là một trong những nhạc sĩ  có nhiêu gắn bó nhất với lãnh vực phòng trà và vũ trường của Sài Gòn về đêm trước năm 75.

Ngô Thụy Miên viết và những dòng cảm nghĩ...
Ngô Thụy Miên viết và những dòng cảm nghĩ...

Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, giới yêu nhạc tại Sài Gòn đã được nghe 3 ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trường Sa: Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, và…

Nghe bài hát

Trần Thái Hòa Am

Sĩ Phú F#m

Đan Nguyên Bbm

Thu Phương Dm

Duy Quang Abm

Tuấn Vũ Abm

Carol Kim Cm

Trường Hải (trước 75) Am

Quang Dũng Abm

Hợp âm ca khúc
Thuở ấy có em

1. Thuở ấy có em anh yêu cuộc [Am] đời Yêu đôi môi hồng điểm nét son [C] tươi [Am] Yêu đôi tay ngà làn má [C] thắm Tóc [Am] xanh buông lả [Dm] lơi Nhớ em nhớ bao thuở…