Duy Quang của một thời

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 7073

Duy Quang là con trai đầu lòng của cặp nghệ sĩ Phạm Duy-Thái Hằng. Anh vừa giã từ chúng ta tuần qua, hưởng thọ 62 tuổi.

Cô Thái và chú Duy có cả thẩy tám đứa con: Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Ðức, Hạnh. Cách đặt tên của chú Duy xem như giống thân phụ là cụ Phạm Duy Tốn, đặt tên theo đức tính: Khiêm, Nhượng, Cẩn... Người viết biết Duy Quang khi còn tuổi ấu thơ, sống trong khu cư xá Chu Mạnh Trinh ở Phú Nhuận.

Quang lớn hơn cậu em kế của Quỳnh Giao một tuổi, và chúng chơi với nhau, nổi tiếng cả khu phố là vô tư phá làng phá xóm, như một bầy con trai nghịch ngợm. Là anh cả của lũ em trai cách nhau năm một, Duy Quang cũng là đầu đàn về đánh lộn. Nghịch ngợm phá phách là nghề Quang nên người viết ngạc nhiên khi lần đầu nghe Quang hát. Khuôn mặt giống y hệt bà mẹ, hiền từ và dịu dàng, nhưng lanh lợi và dí dỏm hơn. Ngày nhỏ, người viết cứ nghe thân mẫu khen cô Thái là hiền như cục bột, câu khen nghe như có chiều bực bội. Nhưng biết đâu chính “cục bột” mới là thượng sách: Cột chân, cột cẳng người chồng tài hoa chỉ bằng sợi tơ hồng mà thôi!

Năm 1975, khi ở đảo Guam, Quỳnh Giao đã nghe từ loa phóng thanh giọng của Phạm Duy kêu gọi xem có ai gặp và biết được bốn đứa con trai Quang, Minh, Hùng, Cường hiện đang ở đâu không? Gia đình ông phút cuối chỉ đi được hai vợ chồng và bốn đứa nhỏ là Hiền, Thảo, Ðức, Hạnh.

Con người Phạm Duy rất lạ, có đầy nghịch lý. Với dư luận, ông có thể là người hoang đàng nhưng trong nhà lại ngăn nắp lo cho vợ con dù rằng phát biểu và dạy dỗ theo lối phóng túng và trào phúng. Ông mang tiếng là người tình ưa lang chạ, mà không bao giờ bỏ nhà qua đêm. Ông không ưa rượu chè, và thức giấc rất sớm, làm việc có quy củ và kỷ luật.

Khi Duy Quang và các em vừa mới lớn, Quang lập ban nhạc The Dreamers, ban đầu hát cho club Mỹ. Sau đó thì được Jo Marcel mời cộng tác với phòng trà Ritz trên đường Trần Hưng Ðạo. Thời gian này vào khoảng đầu thập niên 70, Quỳnh Giao cùng ba em gái là Vân Quỳnh, Vân Hòa và Vân Khanh cũng hát cho anh Jo, lấy tên là ban hợp ca Bốn Phương. Tên này do Nguyễn Long đặt cho, vì cùng tên với hãng băng nhạc Bốn Phương của anh.

Giọng hát Duy Quang khác với mẹ mà gần với cha. Ngày xưa, giọng Thái Hằng nhẹ nhàng và hơi yếu ớt. Cô hát bè cho Thái Thanh là nhất, vì giọng cô Thanh sắc sảo véo von, đi với giọng ấm áp nhẹ nhàng của cô Hằng càng làm nổi cho giọng chính cao vút. Cặp song ca ấy xưa nay chưa có người thay thế, kể cả cặp chị em Mai Hương-Bạch Tuyết, hay Thái Hiền-Thái Thảo sau này.

Trái với giọng Thái Hằng, giọng Duy Quang, cũng như Thái Hiền và Thái Thảo đều mạnh và rõ. Người viết thích nhất cách nhả chữ, đọc lời từ của cả hai anh em. Họ hát bằng giọng ngực, hơi rất dài, chuỗi ngân đều đặn, âm lượng dầy và súc tích. Duy Quang nhỏ hơn em rể Tuấn Ngọc (chồng của Thái Thảo) vài tuổi, nhưng nổi tiếng trước. Lý do là vì khi ở Việt Nam trước 75, Tuấn Ngọc chỉ hát cho club Mỹ với phong cách của một Sammy Davis. Tuấn nổi tiếng khi ra hải ngoại, và nổi như cồn, cho đến giờ vẫn còn ở đỉnh cao. Trái lại, Quang nổi như cồn khi chưa đến 20.

Ở tuổi thiếu niên, giọng hát Quang làm bao nhiêu trái tim thiếu nữ Việt Nam rơi rụng. Những ca khúc của Phạm Duy thập niên 70 đều do Quang diễn tả. Từ “Trả lại Em Yêu”, “Nha Trang Ngày Về”, “Con Ðường Tình ta Ði”, cho đến những ca khúc phổ thơ như “Thà Như Giọt Mưa”, “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ”, “Còn Chút Gì Ðể Nhớ”, “Chuyện Tình Buồn”, v.v.

Quang diễn đạt xuất sắc, giọng hát như viên ngọc không vết gợn. Ðặc biệt là sự chừng mực hiếm có của tiếng hát: Tình cảm mà không ủy mị, lãng mạn mà không mơn trớn mùi cải lương. Nghe rõ là nam nhi chí khí dù còn là thiếu niên. Và lạ thay, giọng hát ấy theo năm tháng không hề thay đổi. Không già đi, hay đạo mạo hơn. Nó vẫn trau chuốt mà thật thà. Tình cảm mà nghiêm trang. Nếu không có biến cố 75 làm đứt đoạn sinh hoạt âm nhạc, có thể giọng Quang sẽ bay bổng, bay cao hơn nữa, xứng đáng với tài năng của mình.

Thị hiếu của người thưởng ngoạn đôi khi thay đổi theo thời cuộc và đời sống. Cách hát lừng khừng, đọc lời từ rời rạc của Tuấn Ngọc lại ăn khách hơn giọng chững chạc và chân phương của Duy Quang. Ngẫm lại, có khi chính vì loại nhạc Duy Quang chọn để hát khi ở hải ngoại không thích hợp như những ca khúc Phạm Duy mà anh hát khi mới lớn. Ca khúc là chính chứ không là giọng hát nữa.

Giọng hát Duy Quang mất đi, nhiều cô vẫn nhắc nhớ mãi trong tâm khảm, dù nay nàng đã là bà nội, bà ngoại rồi. Giọng hát đánh dấu một phần đời đã mất, một quê hương đã xa...

Quỳnh Giao

 

 

Duy Quang và bố mẹ & các em: Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Đức, Thái Hạnh (thứ tự theo thời gian)

   Duy Hùng, Thanh Lan, Duy Quang (Đại hội Nhạc Trẻ - Sài Gòn 1974)

Từ trái: Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Anh Khoa          

                      Từ trái: Duy Quang, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Elvis Phương

3 anh em: Duy Cường, Duy Quang, Duy Minh

Ngọc Lan & Duy Quang

Duy Quang & Phi Khanh

Yến Xuân và Duy Quang

Thái Hiền và Duy Quang

Duy Quang và Ánh Tuyết

Duy Quang với bố và các em

 

    

Theo Cothommagazine

Các bài viết khác:
Tiếng ca man mác gió sơ thu
Tiếng ca man mác gió sơ thu

Giọng hát của Duy Quang là giọng hát đẹp, chứ không phải là giọng hát điêu luyện. Những bài hát mà ông bố Phạm Duy soạn cho anh hát đều là những bài sang trọng nhưng dễ hát, rất vừa…

Vài tâm sự của Duy Quang
Vài tâm sự của Duy Quang

Chí ít tôi sẽ trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư, vì thời đó, ca hát chưa phải là một cái nghề để kiếm sống như bây giờ. Hình như nghệ sĩ lúc đó đồng nghĩa với sự nghèo túng.…

'Thuyền Viễn Xứ' trong tâm thức hoài hương
'Thuyền Viễn Xứ' trong tâm thức hoài hương

Một thi sĩ  lừng danh của nước Mỹ ở thế kỷ 19 là Henry W. Longfellow đã để lại trên 10 tập thơ, trong đó có những câu thơ bất hủ mà cho tới nay vẫn còn được nhiều người…

Nghe bài hát

Duy Quang Ebm

Elvis Phương Em

Bằng Kiều Gm

Hồng Ngọc Gm

Ngọc Lan Am

Don Hồ Em

Hương Lan Bbm

Quang Linh Fm

Chế Linh Ebm

Thái Châu Dm

Thế Sơn Fm

Ngọc Lan & Tuấn Vũ Am

Thiên Kim Bbm

Mai Hường Bm

Hợp âm ca khúc
Kiếp đam mê

1. Tôi xin [Dm] người cứ gian dối, Khi tôi hỏi người có yêu [Gm] tôi May ra [C] còn được thấy đời [Gm] vui Khi cơn [A] mưa mùa đông đang tới Xin giã từ ngày tháng rong [A7]…