Người đưa em sang sông

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 4599

      

                                     Luân Hoán và vợ chồng Nhạc sĩ Nhật Ngân (2006)

          Mỹ nhân, và Âm nhạc là những đề tài ưu tiên mà bọn học sinh choai choai, ở lứa tuổi cuối thập niên ba mươi, đầu thập niên 40, của thành phố Đà Nẵng thường hay trao đổi với nhau, khởi đầu từ những năm 1958, 1959. Đa số trong cặp sách, trong túi áo của mỗi nam sinh các trường Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ, Bán Công, Sao Mai, Bồ Đề, Kỹ Thuật…có lẽ đều có nhốt những tên gọi, những ca khúc. 

         Về mỹ nhân, cá nhân tôi xin thành thật tạ ơn “những môi, những mắt, những da thịt nồng/ những vồng đất biết trổ bông” dù họ “thuận (hay) không, tôi cũng đã trồng ra thơ” . Chắc chắn những Huỳnh Thị Phú, Hồ Thị Hồng, Thu Hà, Quỳnh Chi, Thu Liên, Như Thoa, Thạch Trúc, Minh Xuân, Bích Hà, Lâm Vui, Lâm An, Quỳnh Cư, Bích Quân, Trân Châu, Thúy Oanh, Quỳnh Như, Quỳnh Cư, Hồng Hạnh và hàng trăm bông hoa hương sắc khác từng rủa thầm, chửi nhắn tôi bất tận ngôn, nhưng làm sao bây giờ, khi tôi đã lỡ trang trọng mời họ sống đời với thơ. “Thôi thì xin cảm ơn người/ háy, hứ đôi cái, rồi cười bỏ qua”. Tôi xin hứa rằng chừa và thành tâm “nguyện đem theo xuống suối vàng” những tình yêu vớ vẩn, nhưng rất chân tình một thời của mình, không chia xẻ với ai nữa, kể cả Diêm Vương, ông bạn vàng trong tương lai, đang chờ đón tôi.

          Về âm nhạc, thời đó, chúng tôi thích những Hình Ảnh Một Buổi Chiều (Lâm Tuyền), Dứt Đường Tơ (Dzoãn Mẫn), Dư Âm (Nguyễn Văn Tý), Trăng Mờ Bên Suối (Lê Mộng Nguyên), Nụ Cười Sơn Cước (Tô Hải), Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn)… kèm theo những Chàng Đi Theo Nước, Bên Bờ Đại Dương, Thoi Tơ, Đường Chiều…Và bất ngờ, một bài ca, không đến với chúng tôi qua những giọng ca từ Ty Thông tin Đà Nẵng, từ Đài Phát thanh Sài Gòn…, mà đến với chúng tôi bằng những giọng hay-hát-hơn-là-hát-hay, trong đám học sinh.  Bài ca có tên Tôi Đưa Em Sang Sông.

          Chuyện gì chứ chuyện đưa em, tôi rất khoái. “Em” ở đây, đương nhiên là một người đẹp, hiểu đậm hơn chút nữa là một tình nhân. “Em!”, một tiếng gọi gọn nhẹ, nhưng tức thì thấy rõ tất cả cái lộng lẫy, dịu dàng của người thục nữ.

          “Lãnh thổ thơ tôi, một cõi Em/ hàng trăm chánh thất, chỉ một tên/ và không cung nữ, không hoàng hậu/ lộng lẫy trong cùng một dáng Em”  (LH-Mời Em Lên Ngựa).

          Si tình, trọng vọng rất đúng tinh thần “Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương” đến thế, nên tôi mau chóng tâm đắc với lời ca tiếng nhạc của Tôi Đưa Em Sang Sông, dù chỉ mới nằm lòng chập chờn mấy câu:

          “Tôi đưa em sang sông/ chiều xưa mưa rơi âm thầm/ để thấm ướt chiếc áo xanh/ và đẫm ướt mái tóc em…”

          Tội ơi là tội, chưa chi mà đã thấy thương đến bạc những sợi tóc. Cái hoàn cảnh chưa từng xảy ra với chính mình và gần như ước lệ cho nhiều cuộc tình dang dở, đầy tính chất phổ thông, nhưng sao nghe ra như chuyện thật của mình, tưởng chừng như đang diễn ra, và mình đang chịu đựng.

          … “Nếu tôi đừng đưa em / thì chắc đôi mình không quen/ đừng bước chung một lối mòn/ có đâu chiều nay tôi buồn…”

          Những điều đương nhiên đó, cận kề với “sáu câu” đến thế, nhưng giai điệu ngũ cung đã xóa bỏ ranh giới giữa trí thức và bình dân, để cho câu chữ có nhịp đập của trái tim, có hơi thở của đời sống, đủ thu hút sự thưởng ngoạn thoải mái của nhiều người, nhất là đám trẻ đang yêu, chuẩn bị yêu. Bài ca được chép tay, chuyền miệng rộng rãi, mau chóng trong đám “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” (tục ngữ)  của thành phố Đà Nẵng. Tôi có chút ngạc nhiên khi biết ca khúc này chưa xuôi qua cầu Câu Lâu, chưa vượt khỏi đèo Hải Vân mà đã có sức sống. Nhất là nó không thành hình từ ông thầy Hoàng Bích Sơn, dạy nhạc ở Phan Châu Trinh, cũng không từ lòng một người đã thơm tay, Phạm Thế Mỹ. Nó ra đời từ một người còn vô danh, tuổi đời nhỏ hơn tôi đến những một năm.

          Chưa vội tìm hiểu tác giả, đám bạn tôi đã mách ngay cái thằng viết ra bản nhạc nghe rất “được” đó. Thằng Ngân. Anh chàng không lớn xác này cũng là dân Phan Châu Trinh, thuộc lớp đàn em, vì “mài quần” sau tôi một năm. “Thùng rỗng kêu to” (tục ngữ), tôi không kêu, nhưng không thiếu những cao ngạo rất trẻ con. Lần đầu dòm qua ông nhạc sĩ, ánh nhìn của tôi giả bộ tẻ nhạt, dù trong bụng đã có đôi phần nể phục.

          Tôi không có ý định làm quen với Nhật Ngân dù năm 1960, ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông được in ấn, phát hành rộng rãi. Tên tác giả Trần Nhật Ngân được ghi trên bản nhạc, bên cạnh một tên khác: Y Vũ. Bài hát đi vào quần chúng thật mau lẹ, nhưng khoảng cách giữa chúng tôi vẫn không có gì thay đổi. Trong phạm vi của một thành phố nhỏ, chúng tôi biết đến tên nhau, cùng những lần tình cờ thấy nhau, không lạnh lùng nhưng chắc chắn không thiếu dửng dưng.

Luân Hoán

Theo Cothommagazine

Các bài viết khác:
40 năm cho âm nhạc Việt Nam
40 năm cho âm nhạc Việt Nam

"Tôi không bao giờ than vãn cuộc đời. Tôi vẫn mang trái tim của tôi, mang sự yêu mến cuộc đời của mình để bước vào cuộc đời" Năm nay 58 tuổi đời, nhưng Nhật Ngân đã có một quá…

Duy Quang của một thời
Duy Quang của một thời

Nghịch ngợm phá phách là nghề Quang nên người viết ngạc nhiên khi lần đầu nghe Quang hát. Khuôn mặt giống y hệt bà mẹ, hiền từ và dịu dàng, nhưng lanh lợi và dí dỏm hơn.

Tiếng ca man mác gió sơ thu
Tiếng ca man mác gió sơ thu

Giọng hát của Duy Quang là giọng hát đẹp, chứ không phải là giọng hát điêu luyện. Những bài hát mà ông bố Phạm Duy soạn cho anh hát đều là những bài sang trọng nhưng dễ hát, rất vừa…

Nghe bài hát

Vũ Khanh Am

Chế Linh Am

Ngọc Lan Em

Đan Nguyên Bm

Tuấn Vũ G#m

Kim Anh Dm

Khánh Ly Cm

Nguyễn Hưng Bm

Phương Hồng Quế Em

Lưu Hồng Dm

Trường Vũ Bm

Trường Hải (trước 75) Bbm

Phương Dung (trước 75) Fm

Hương Lan Fm

Hợp âm ca khúc
Tôi đưa em sang sông

1. Tôi đưa em sang [Am] sông, chiều xưa mưa rơi âm [E7] thầm. Để thấm ướt chiếc áo [Am] xanh và [F] đẫm ướt mái tóc [E7] em. [A7] Nếu xưa trời không [Dm] mưa, đường [G] vắng đâu…