Đi tìm "sông Tương"

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 6372

Kể từ khi Kim Trọng trao trả Thúy Kiều chiếc kim thoa cài tóc và hai bên trao đổi kỷ vật kèm theo những lời thề nguyền gắn bó keo sơn, chàng Kim trở về nơi thư viện, còn nàng Kiều về lại chốn lầu trang. Từ phen gặp lại ấy, hai bên quen biết nhau thêm, như đá biết vàng. Cách nhau chỉ một bức tường hoa, ngày ngày tay đợi mắt chờ, hai bên cùng nóng lòng mong nhớ mà hai đằng không thấy được mặt nhau. Để diễn tả nỗi nhớ nhung khắc khoải  trong lòng Kim Trọng và Thúy Kiều khi ấy, thi hào Nguyễn Du đã gói ghém tình ý trong hai câu thơ:

Sông Tương một giải nông sờ

Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia

 

Theo Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện), cũng như tác giả Vân Hạc (Truyện Kiều chú giải), thì hai câu thơ lục bát trên được lấy ý từ bốn câu cổ thi của Trung Quốc:

 


君在湘江頭

妾 在 湘 江 尾

相 思 不 相 見

同 飲 相 江 水

 

Quân tại Tương Giang đầu

Thiếp tại Tương Giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Đồng ẩm Tương Giang thủy

 

(Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

Nhớ nhau không thấy mặt

Cùng uống nước sông Tương)

 

Còn theo Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (Truyện Thúy Kiều) thì bốn câu thơ chữ Hán trên lấy ý từ Tình Sử Trung Quốc.

 

Tương Giang là con sông bắt nguồn từ rặng núi Duyên Hải, huyện Hưng An tỉnh  Quảng Tây, chảy qua Hồ Nam thuộc Trường An, đổ vào hồ Động Đình dài hơn hai ngàn dăm. Mùa thu nước từ hồ Động Đình thường dâng lên to, nước từ hồ có thể chảy ngược về phía nam, sóng rất dữ khiến cá phải lặn ẩn sâu xuống đáy nước. Còn bốn câu cổ thi trên đây chính là phần trích đoạn khúc Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, đời Hậu Chu thời Ngũ Quí, mong gửi gấm nguồn tâm sự cho Lý Sinh, sau khi đau khổ phải xa cách người yêu. Nguyên văn bài thơ như sau:

 

Nhân đạo Tương Giang thâm

Vị để tương tư bán

Giang thâm chung hữu để

Tương tư vô biên ngạn

Quân tại Tương Giang đầu

Thiếp tại Tương Giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Đồng ẩm Tương Giang thủy

Mộng hồn phi bất đáo

Sở khiếm duy nhất tử

Nhập ngã tương tư môn

Tri ngã tương tư khổ

 

(Người ta bảo sông Tương rất sâu

Nhưng chưa bằng nguồn tương tư

Sông sâu còn có đáy

Tương tư không bờ bến

Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

Tương tư không gặp mặt

Cùng uống nước sông Tương

Hồn mơ bay chẳng tới

Chỉ thiếu một điều chết

Ta vào cửa tương tư

Mới biết tương tư là đau khổ)

 

Trong Tình Sử Trung Quốc, con sông Tương xưa kia cũng đã chứng kiến cuộc vĩnh biệt thời vua Thuấn với Nga Hoàng và Nữ Anh, nước mắt hai bà đã thấm ướt bờ sông Tương nên trong văn chương cổ điển vẫn thường mượn hình ảnh sông Tương để nói lên sự ly biệt, ở cách xa mà lòng nhớ mong nhau. Trong kho tàng đồ sộ văn học sử Trung Quốc có quá nhiều điển cố mà hình như mỗi khi một điển tích nào đó được nhắc lại, cũng có thể ứng đối với một tình huống, thích nghi với một hoàn cảnh, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và thi ca nói riêng. Nếu giả sử lúc này có một ai nhắc đến dòng sông Dịch chắc hẳn sẽ làm ta liên tưởng ngay đến một làn nước sông mông mênh rờn rợn sóng, gió rít từng hồi thê lương buốt lạnh cắt da, u uất tấm hào khí của một Kinh Kha sang Tần, làm đậm nét buổi tiễn biệt người tráng sĩ và con trủy thủ với mối thù tóc hờn dựng ngược, để một lần đi và không bao giờ trở lại, thì dòng Tương Giang kia cũng đã từng làm chứng nhân cho những cuộc chia ly tình ái thơ mộng và mang mang tính chất lịch sử. Cổ nhân đã biến dòng Tương Giang thành một biểu tượng bất tử, một chất men xúc tác cho thi hứng của bao nguồn tâm sự, thương nhớ ngút ngàn. Qua thi ca con sông Tương đã vượt thác khỏi giới hạn không gian của địa dư thuần túy để lãng đãng bay bổng thấm nhuần vào lòng người. Tương Giang con sông của những khối tình lận đận, không trọn vẹn hay những khát vọng không nguôi ngoai. Hãy thử trích đoạn một bài thơ khác bằng chữ Hán nhan đề Biện Giả (辯賈), trong Bắc Hành Thi Tập của Nguyễn Du:

 

           不涉湖南道
           安知湘水深
           不讀懷沙賦
           安識屈原心
           屈原心湘江水
           千秋萬秋清見底

 

 

Bất thiệp Hồ Nam đạo

An tri Tương thủy thâm

Bất độc Hoài Sa phú

An thức Khuất Nguyên tâm

Khuất Nguyên tâm, Tương Giang thủy

Thiên thu vạn thu thanh kiến để

 

 

(Không đi qua Hồ Nam

Sao biết sông Tương sâu

Không đọc bài phú Hoài Sa

Sao biết được lòng Khuất Nguyên sầu

Lòng Khuất Nguyên và nước sông Tương

Nghìn sau vẫn còn trong suốt đáy)

 

Trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, hình ảnh sông Tương cũng hơn một lần được nhắc đến nhưng cái vẻ mênh mông sâu thẳm kia của sóng nước Tương Giang tuyệt nhiên đã không còn nữa mà giờ đây chỉ còn là một dòng sông khô cạn nước, bé nhỏ như một giải lụa đào, chỉ cần vén khẽ đôi gấu quần cũng có thể lội qua:

 

Sông Tương một giải nông sờ

Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia

Từ ngữ nông sờ theo nguyên nghĩa được gắn bó với hình ảnh sông Tương, phản ánh sự dồn nén tình cảm luân lý dưới lớp váng của một không khí đậm đặc Nho Giáo, như một con chốt cốt ý được khép hờ, chỉ chờ đến một giây phút bất ý sẽ được nổ tung, như chiếc cầu nhỏ vắt vẻo, rung rinh chỉ được tạm gác lên để nối liền hai tâm hồn đang khắc khoải tương tư khi mới độ thăng hoa, chẳng khác chi một điềm báo trước bất an khi mà sau này bức tường hoa ngăn cách giữa hai nhà Thúy Kiều và Kim Trọng đã chẳng thể còn là bức trường thành ngăn cản được bước chân nàng Kiều tìm đến với chàng Kim.

           Không biết có phải do một sự tình cờ ngẫu nhiên hay một dụng ý nào khác mà trăm năm sau, Lý Chi Nghi  (李之儀)  một thi sĩ đời Tống cũng đã sáng tác một một bài ca mang âm điệu như khúc Trường Tương Tư, lấy nhan đề là Bốc Toán Tử (卜算子) . Đây cũng là bài thơ giãi bày tâm sự nhớ mong nhưng pha chút hờn oán của một người thiếu phụ trẻ tuổi mỏi mòn trông ngóng người yêu. Không gian tuy có đổi dời nhưng cảnh huống vẫn là người đầu sông, mong nhớ kẻ cuối sông. Nơi chốn giờ đây là tại một con sông dài khác như chính cái tên gọi mà người xưa đã từng đặt cho là Trường Giang.

 

 

卜算子

我住長江頭 ,

君住長江尾 ◦

日日思君不見君,

共飲長江水◦

此水幾時休,

此恨何時已◦

只願君心似我心,

定不負相思意◦

 

BỐC TOÁN TỬ

Ngã trú Trường Giang đầu

Quân trú Trường Giang vĩ

Nhật nhật tương quân bất kiến quân

Cộng ẩm Trường Giang thủy

Thử thủy kỷ thời hưu

Thử hận hà thời dĩ

Chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm

Định bất phụ tương tư ý.

 

 

(Em ở đầu Trường Giang

Chàng ở cuối Trường Giang

Ngày ngày nhớ chàng không thấy chàng

Cùng uống nước Trường Giang

Bao giờ nước kia ngưng chảy

Bao giờ sầu hận kia nguôi

Chỉ mong lòng chàng như lòng em

Mới khỏi phụ lòng mong nhớ)

 

Bài thơ Bốc Toán Tử của Lý Chi Nghi đã được tuyển chọn là một danh tác trong tuyển tập một trăm bài thơ, ca: Đường Tống Từ Nhất Bách Thủ, và được Hứa Uyên Xung, giáo sư tại Đại Học Bắc Kinh chuyển dịch sang Anh Ngữ trong tuyển tập: “100 TANG AND SONG C/ POEMS”.

 

SONG OF DIVINATION

 

I live upstream and you

Downstream by River Blue.

Day after day of you I think,

But you are not in view,

Although as one we drink

The water clear of River Blue

When will the water no more flow?

When will my grief no longer grow?

I wish your heart be but like mine,

Then not in vain for you I pine.

 

Một bản dịch khác sang Pháp Ngữ, phảng phất mang sắc thái bài thơ Le Pont Mirabeau của Apollinaire:

 

J’ habite à l’origine

de la longue rivière.

Et toi mon amour,

là où elle se termine.

Je pense à toi jour et nuit

mais je ne te vois pas.

Et pourtant, nous dépendons

de la même source pour s’abreuve.

Quand l’eau cessera-t-elle de couler?

Quand cesserai-je d’ espère?

Je souhaite simplement

que ton coeur soit comme le mien:

retournant mes pensées

amoureuses vers les tiennes.

 

Khởi đi từ thượng nguồn Tương Giang đầu với khúc Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, như một cung Si-bémol buồn bã trong tấu khúc đoạn trường, não ruột thấu tận trời xanh, đã khiến cho nàng Lương Ý và Lý Sinh sau này được chắp nối  mối lương duyên. Tiếp đi từ hạ nguồn Trường Giang vĩ như tiếp nối mạch sầu nơi lòng người cô phụ còn mang nặng lời thề non nước: Chàng ơi, chàng sao đi mãi chưa về cùng non?

 

LỜI BẠT … 

Bây giờ anh cũng đang ở cuối sông Tương

Dòng sông Tâm Tưởng

Vẫn âm thầm chảy lặng lờ trong ký ức anh

Em phương đó

Vẫn đầu nguồn, thu muộn

Lặng lẽ rừng phong

Em vẫn một lối về

Chiều xuống chim rừng xa tiếng hót

Tương tư, em thả vội lá phong vàng

Đợi tương phùng, thôi thắp nến

Em về, anh hát lời vô ngôn.

Theo: http://www.ngocbao.org

Các bài viết khác:
Lý do ra đời bài hát
Lý do ra đời bài hát "Ai về sông Tương" và ý nghĩa nghệ danh "Thông Đạt"

Ai về sông Tương được viết vào năm 1949. Về ca khúc này có một giai thoại: Những năm cuối thập niên 1940 đó, Văn Giảng có chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế, một số hành khúc…

Chút tình đầu
Chút tình đầu

'Phượng Hồng' được nhạc sĩ  Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ 'Chút tình đầu' của Đỗ Trung Quân trong năm 1984. Mối tình đầu của tôi êm đềm như thơ và nàng thì thẹn thùng như cỏ trinh nữ.

Xướng ca vô loài
Xướng ca vô loài

Biết rằng gia đình Văn Phụng không chấp nhận mình, Châu Hà phẫn uất đi lấy chồng và theo chồng vào Sài Gòn để xa hẳn một quá khứ đẹp mà... buồn.

Hợp âm ca khúc
Ai về sông Tương

[A] Ai có về bên bến sông [E] Tương Nhắn [A] người duyên dáng tôi [F#m] thương, bao ngày ôm mối tơ [A] vương [D] Tháng với [E7] ngày mờ, nhuốm đau [A] thương Tâm hồn mơ bóng em [E]…