"Bình Trị Thiên khói lửa" sống mãi với thời gian

Gửi bởi: kynguyen65 | Lượt xem: 1492

Ai đã từng qua dải đất Bình Trị Thiên vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hẳn khó quên một bài hát viết về cuộc chiến đấu gian khổ, quyết liệt của quân và dân Bình Trị Thiên để bảo vệ mảnh đất thân yêu của mình; đó là bài hát Bình trị Thiên khói lửa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương

 

Một tiết mục văn nghệ tại Liên hoan Giai điệu thành phố Hoa Hồng lần thứ IX, năm 2014. (Ảnh minh họa của P.V)

 

Bài hát được viết ở thể ba đoạn: Đoạn I viết ở cung Rê thứ, trên hoá biểu có một dấu giáng là Si giáng (Sib), nhịp 4/4. Toàn bộ đoạn I gồm 4 câu nhạc phát triển khá dài, có tính chất giới thiệu dải đất Bình Trị Thiên với các địa danh mang tính lịch sử và truyền thống đánh giặc. Về lời ca, tác giả gây được sự chú ý cho người nghe ngay từ đầu, nên đã có sự lôi cuốn thật sự đến tư duy và tình cảm mỗi người:

“Hướng về Nam! Ai từng vô sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi, Nông. Hướng về Nam! Ai đã vô Đông Hà, đã qua Ngô Xá, đã đi Bích La, Thuý Ba, Triệu Phong. Hướng về Nam! Ai đã qua Đèo Ngang, đã sang Ba Rền, mến dòng sông Gianh, biết danh Luỹ Thầy”...

Vào đầu, tác giả đã sử dụng giai điệu đẹp, uyển chuyển, cao độ và trường độ tương đối ổn định, được tạo bởi các nốt móc đơn đi liền nhau, đã mô tả được cuộc sống êm đềm, đẹp đẽ, tươi vui trên dải đất Bình Trị Thiên trong những ngày bình yên. Quê hương đẹp đẽ, bình yên và nên thơ như vậy mà “Giờ đây lửa cháy ngút trời. Máu nhuộm đồng xanh. Ôi đau thương điêu tàn”... Ở đây, tác giả đã sử dụng đến ba dấu hiệu âm nhạc đặc biệt: dấu Sol thăng bất thường, dấu trường ngân và dấu cường độ mạnh, đã gây được sự xúc động đặc biệt đến người nghe và như để chuẩn bị bước vào đoạn II đau thương, tang tóc và ác liệt hơn:

“Hải Lăng mồ chen thôn xóm
Cát trắng ven làng máu hoen
Dân lành yên vui giặc lên tàn sát
Chí Long đồng quê tan tác
Trung Nẫm đường vắng lối không
Xót thương đàn em xác chìm dòng sông”...

Sang đoạn II, tác giả đã chuyển nhịp 2/4. Mặc dầu giọng và điệu vẫn giữ nguyên: Rê thứ, nhưng các tiết nhạc được rút ngắn lại thành 5 nốt móc đơn và 1 nốt đen có chấm dôi, phù hợp với lời ca 6 chữ, để nói lên được cảnh đau thương, tang tóc của cuộc chiến tranh tàn phá làng xóm quê hương. Quân thù đã giày xéo lên cuộc sống yên bình của dân lành. Chúng còn giết hại cả người già, em nhỏ, cướp đi nụ cười ngây thơ và hồn nhiên trên môi các em, t rong hai câu nhạc cuối của đoạn II:


“Làng cháy cây héo khô
Đồng nương nồng hơi súng
Xa tắp còn đâu bóng lúa xanh.
Nhà thiêu, nền trơ đất
Người đi lòng u uất
Sôi cháy máu căm hờn trào dâng”...

ác giả tiếp tục chia nhỏ các tiết nhạc thành 2 nốt - 3 nốt, ngăn cách bởi các dấu lặng đơn như nhịp thơ 2-3 trong thể thơ 5 chữ. Đặc biệt, trên các nốt nhạc ở đây còn có các dấu nhấn và dấu cường độ mạnh, nhẹ xen kẽ nhau, đã tạo nên được không khí căng thẳng, u uất. Sự căm thù đã dồn nén đến tột độ, để rồi đứng lên chiến đấu một mất một còn với quân giặc. Ở cuối đoạn nhạc, ngoài dấu Đô thăng có trong gam Rế thứ hoà thanh dùng cho nốt Đô đen ở chữ “trào dâng”, còn có các dấu lặng đen và hai dấu lặng trắng, như những giây phút lặng im tuyệt đối để chờ đợi giờ phát hoả trong các trận tấn công quân thù.   

Vào đoạn III, tác giả trở lại nhịp 4/4, nhưng đã chuyển điệu tĩnh sang Rê trưởng, nên trên hoá biểu có dấu hoàn cho Si giáng và xuất hiện hai dấu thăng mới là Fa thăng và Đô thăng, tốc độ bài hát được tăng nhanh hơn. Âm nhạc có tính chất hành khúc, xuất hiện các nốt móc đơn có chấm dôi đi liền với nốt móc kép. Về lời ca ở đoạn III, vào đầu bằng những lời kêu gọi khẩn thiết chiến sĩ, đồng bào hãy đứng lên cùng với quân dân Bình Trị Thiên nguyện giết hết loài lang sói hung tàn để giữ lấy quê nhà:

“Đồng bào ơi cùng Bình Trị Thiên đứng lên!
Đứng lên ta nguyện giết loài lang sói”...

Bài hát đã đến độ cao trào, âm nhạc hùng tráng, quyết liệt. Cuộc chiến đấu của quân và dân Bình Trị Thiên đã thu được nhiều thắng lợi liên tiếp và đều khắp : “Đây Cự Nẫm, kia Câu Nhi, này Ba Lòng kia Khe Sanh. Đây bao nơi chôn thây quân thù”...

Ở đây, tác giả đã dùng các tiết nhạc ngắn gọn, chắc khoẻ bằng ba nốt nhạc có cao độ bằng nhau, nhưng tiết nhạc sau có cao độ cao hơn tiết nhạc trước một quảng 4 trưởng hoặc quảng 5 trưởng (La - Fà - La, Rế - Rế - Rế); (Fà - La - Mì, Đô - Đô - Đô) kết hợp với nhau như những lời kêu gọi và những lời đồng thanh hưởng ứng rầm rộ để giành thắng lợi trên khắp quê hương chúng ta.

Đến đây, nhạc sĩ đã chủ định dùng dấu quay trở lại đoạn III với tinh thần thừa thắng xông lên tiêu diệt quân thù, giành lại tiếng hát dưới mái trường thân yêu cho các em mà chiến tranh đã cướp đi, giành lại cuộc sống yên vui sum vầy cho mọi nhà. Bài hát được kết thúc bằng một câu nhạc khoan thai, giãn  nhịp như một khúc khải hoàn ngợi ca chiến thắng của quân và dân Bình Trị Thiên trong những năm đầu đầy khó khăn, gian khổ và ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

“Bình Trị Thiên khói lửa” là một ca khúc hay, viết dưới dạng chính ca bi ai mà hùng tráng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết bài hát này vào năm 1948, khi anh còn là cán bộ bưu điện liên khu IV với tuổi đời hai mươi chín đầy nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ. Bằng kiến thức âm nhạc học được của mình lúc bấy giờ, bằng cấu trúc chặt chẽ của ca khúc thể ba đoạn dạng: A - B - C, không có tái hiện, với giai điệu lúc thì kể lể xót thương, lúc thì sôi sục hành động, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã để lại cho thính giả cả nước nói chung, Bình Trị Thiên nói riêng một bài hát có giá trị cả về lịch sử và nghệ thuật, góp vào kho tàng âm nhạc Việt Nam một tác phẩm quý, viết về cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bởi vậy, bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có sức sống mãnh liệt và lâu bền mãi mãi với thời gian.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến

 

Các bài viết khác:
Hoàng Trọng và Vĩnh Phúc với Ngàn thu áo tím
Hoàng Trọng và Vĩnh Phúc với Ngàn thu áo tím

"Ngàn thu áo tím” là một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ít người để ý rằng lời bài hát rất hay này là của Vĩnh Phúc.

Thơ tình cuối mùa thu
Thơ tình cuối mùa thu

Chỉ còn anh và em  Là của mùa thu cũ  Chợt làn gió heo may  Thổi về xao động cả

 Đôi dòng cảm nhận nhạc phẩm:
Đôi dòng cảm nhận nhạc phẩm: "Tình ca Măng Đen" của nhạc sĩ Ngọc Tường

Tây Nguyên, một vùng đất trù phú về tiềm năng kinh tế, chiếm vị trí chiến lược về quân sự và là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho biết bao con người trót dấn thân vào con đường…

Nghe bài hát

Anh Bằng Dm-D

Quang Thọ Dm-D

Quang Lý Dm-D

Hợp âm ca khúc
Bình Trị Thiên khói lửa

1. [Dm] Hướng về [Am] nam! Ai từng vô sông [Dm] Hương, từng nương Thiên Mụ Từng ngụ Đập [Am] Đá, Văn Xá, Truồi Nong [Dm] Hướng về [Gm] nam! [C] Ai đã vô Đông [F] Hà đã qua Ngô…