Về thôi em - Tiếng lòng người xa xứ

Gửi bởi: intrepid | Lượt xem: 1856

Bài thơ mở đầu bằng câu hỏi: “Em ra không mai anh về đất Quảng”. Nghe như là lời rủ rê hơn là việc thông báo. Nó làm ta nhớ đến câu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ / Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” của Hàn Mặc Tử. Dường như nỗi nhớ quay quắt đã khiến con người ta tìm đến một cái cớ nào đó để trở về với quê hương, dù là trở về trong tiềm thức.

Ngay sau không khí nhộn nhịp xô bồ thời điểm giáp tết nơi miền đất lạ, hơi thơ trải rộng, mênh mang:
“Thèm chi mô một chén rượu Hồng Đào
Dẫu chưa uống chỉ say từ câu hát”

Rượu Hồng Đào là loại rượu đặc trưng của Quảng Nam. Đã là con đất Quảng thì không thể không biết đến câu: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm / Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”. Thú thật, tôi chưa nhìn thấy thức rượu ấy bao giờ. Nhưng nghe đời này sang đời khác ngâm nga mãi một câu đó, riết rồi tôi tưởng thứ rượu ấy ngấm vào da thịt mình tự lúc nào không hay. “Thèm chi mô” đây đâu phải chỉ là thèm nâng cạn một chén rượu quê nhà mà còn là nỗi khát thèm được nghe ai ca tiếng quê hương ngọt ngào ân tình vọng lại từ thuở nào xa xôi lắm. Men rượu say cứ thế lan toả, ý thức nhường chỗ hoàn toàn cho tiềm thức, dòng cảm xúc cứ thế tuôn trào. Ta thấy ngọn khoai, củ mì, cá chuồn, trái mít quen thuộc. Đó chưa hẳn là những đặc trưng của riêng vùng đất Quảng Nam nhưng nó luôn được định vị trong tâm trí nhà thơ như là biểu tượng sống động nhất của quê hưong, nơi còn bao nỗi nhọc nhằn, vất vả. Dưới cái nắng cháy da làm cát nóng bỏng rát, ngọn khoai vẫn cố vươn mình. Ta thương chữ “trườn” lam lũ như dân ta bình thản bước qua bao mùa mưa nắng. Ta thương dáng hình méo mó của củ khoai củ sắn giữa sỏi đá trên nguồn. Ta nhớ cá chuồn, trái mít chuyền tay nhau, gợi không khí trao đổi mua bán nhộn nhịp giữa hai miền nguồn, bể, gợi cả một đời sống sinh hoạt, lao động nồng ấm nghĩa tình. Ta nhớ một thời ta thuộc nằm lòng câu: “Ai về nhắn với bậu nguồn / Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”. Ta nhớ “em”. Và ta nhớ ta, một thời đã từng “phải lòng” ai đó…. Rồi ta nhớ cha nhớ mẹ ta, hai bậc sinh thành suốt đời sống trong nghèo đói, khó nhọc:
“Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thấm

“Lận đận một đời quảy gánh gieo neo
Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển”

Ta nhớ và thương mẹ cha ta ngày xưa lam lũ, vật lộn với đói nghèo trên mảnh đất quê hương cằn cỗi, vẫn truyền cho con cháu niềm tự hào về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nặng ân tình và chịu thương, chịu khó. Để rồi sau đó, bao nỗi nhớ thương xô đẩy nhau, ùa về bật lên thành tiếng:
Đất dễ thấm dễ mềm lòng quyến luyến
Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay

Ta có thấy chút xót xa trong câu thơ mượn thành ngữ “muối mặn gừng cay”: “Tay bưng chén muối đĩa gừng / Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Nỗi bất an tự dưng len lỏi vào trong nỗi nhớ. Và đúng là như vậy
Đờn Miếu Bông ai chọn phím so dây
Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả

Một dự cảm xa cách đã bất chợt hiện lên. Chuyến tàu không bình thản lăn bánh mà “hối hả”, thúc giục, khẩn trương, khiến ta bỗng dưng không lí do mà uất ức, mà bật khóc, mà oán trách. Rồi ta xa mảnh đất quê hương. Rồi ý thức kéo ta giật mình trở về thực tại. Ta đang đau đáu một nỗi niềm thương nhớ cố hương. Rồi ta nói với em, hay là ta đang nói với chính lòng mình:
Về thôi em, bận lòng chi xứ lạ
Sông Thu ta dẫu bên lở bên bồi
Dẫu mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi
Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi

Ý thức trở về nhưng nỗi nhớ không buông tha, sống dậy trong ta giữa thực tại vẫn là một miền quê nhiều nỗi đau thiên tai và sắt son chung thuỷ, bám bờ bám luỹ. Lời rủ rê đã trở thành sự thôi thúc trở về đến mãnh liệt. Để rồi trong lòng kẻ li hương mường tượng ra bóng dáng của quê hương, nơi mẹ cha ta vẫn đang tựa cửa ngóng chờ
Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải
Cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng

Tôi đã hơi hẫng hụt khi đến câu “Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải”, cũng không biết tại sao. Có lẽ là tôi muốn sống trong miền tâm tưởng lâu hơn một chút, cảm nhận trọn vẹn hơn một chút. Đáng tiếc thay, từ “Chắc” đã khiến mạch cảm xúc hơi bị chững lại. Cũng hơi tiếc nhưng tôi cho điều đó cũng không có gì là lạ. Khi mà trọn vẹn quá đôi khi nó lại mất đi cái thi vị và điểm trống vốn có của tình thơ. Thế nên tốt nhất là để quê hương trong tiềm thức cứ mãi như thế, trong sáng và đầy nghĩa tình như thế. Khi tôi chưa kịp đuổi theo dòng logic của thơ khi quay về thực tại, nhà thơ đã hạ một câu kết để lại dư âm không sao quên được: “Cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng”. Nỗi nhớ vốn trừu tượng đã được cụ thể hoá bằng hình ảnh lấy từ câu ca dao: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng / Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi”. Ánh mắt ngóng trông mòn mỏi, dai dẳng của cha mẹ có cảm tưởng như làm phai mòn dần đi Hòn Kẽm Đá Dừng, hình ảnh biểu tượng ám ảnh vô cùng tâm trí của những đứa con xa quê.
Có thể nói, “Về thôi em” của Dương Quang Anh đã thể hiện được cái hồn của xứ Quảng và nói hộ tấm lòng của những kẻ li hương vẫn thường đau đáu hướng về quê nhà giữa nơi xứ lạ. Phải có một tình yêu sâu đậm với quê hương thì mới có thể tạo nên những vần thơ mang đậm hơi thở ca dao dân ca xứ Quảng như thế. “Về thôi em” sẽ mãi được nhắc đến như một niềm tự hào của đứa con vùng đất Quảng Nam.

Đỗ Nguyễn Tường Linh
Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam Kỳ, Quảng Nam

Theo blog Dương Quang Anh

Các bài viết khác:
Bài thơ "Về thôi em" của Dương Quang Anh

Em ra không mai anh về đất Quảng, Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao. Thèm chi mô một chén rượu Hồng Đào, Dẫu chưa uống chỉ say từ câu hát. 

Kỷ niệm từ chiều mưa năm ấy

Hơn nửa thế kỷ trước, ca khúc “Em đến thăm anh một chiều mưa” từng làm xao xuyến bao con tim đang yêu. Tác giả của ca khúc bất hủ này giờ đã bước vào tuổi 80 nhưng vẫn còn…

Em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương
Em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương

Ở rừng, hằng đêm có những tiếng hú ghê rợn vọng về, người ta mê tín cho rằng do những người phu chết trong đồn điền. Khanh lợi dụng tình cảm của K’Lai để điều tra phát hiện tiếng hú…

Nghe bài hát
Hợp âm ca khúc
Về thôi em

Em ơi [Am] em mai anh về đất Quảng Trời miền [D] Nam giáp tết quá nôn [Am] nao Thèm chi [G] mô một chén rượu Hồng [Em] Đào Dẫu chưa [G] uống đã say từ câu [Am] hát. [E7]…