"Thời hoa đỏ" và nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 2219

Cứ đến mùa hè, dưới khung trời ngập màu phượng vĩ cùng tiếng ve bỏng rát những đường phố Hà Nội, nhiều cặp tình nhân bên nhau hay những người lang thang một mình trên phố cứ nha nhẩn câu hát: Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi, như nuối tiếc một thời trai trẻ.

Nhiều người cứ thắc mắc tại sao trong câu thơ của Thanh Tùng: Như máu ứa một thời trai trẻ hay đến vậy mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng lại thay bằng nuối tiếc trong ca khúc Thời hoa đỏ. Ông chỉ cười: Có lẽ cả đời viết nhạc của tôi sẽ có những nỗi buồn đọng lại, nhưng đó là những nỗi buồn trong sáng và đẹp, tôi không muốn hát lên một nỗi buồn bi lụy... Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng mở đầu câu chuyện bằng ca khúc Thời hoa đỏ - một ca khúc không chỉ là tiếng lòng của những con người đã đi qua một tuổi trẻ đắm say mà còn là ca khúc “ruột” của không biết bao thế hệ sinh viên mỗi tối ngồi gảy ghi ta hát trên những căn phòng nhỏ của các ký túc xá. Năm 1989, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cử 4 nhạc sĩ sang Nga dự một trại viết, trong đó có ông. Không có giày lông, áo măng tô chỉ may bằng vải ka ki không thể chống lại cái lạnh giá bên nước bạn, chỉ 1 tuần ông bị ho ra máu.

Những người bạn Nga đưa ông đi cấp cứu và suốt 1 tháng trời nằm viện, xung quanh ít có người đồng hương, ông lại không quen với bánh mì và xúp chua, nên cái gì trước mắt cũng xa lạ, chỉ có nỗi buồn và nỗi cô đơn là gần gũi, đang giày vò ông từng giờ. Sau 1 tháng, ông phải chuyển sang bệnh viện lao, hết nằm lại ngồi, ông lục trong ba lô của mình tập thơ 99 bài thơ tình, do một người bạn tặng trước lúc lên đường, để ngày ngày đọc cho khuây khỏa. Đọc đến bài thơ Thời hoa đỏ của nhà thơ Thanh Tùng, ông rất thích những câu thơ như thế này: Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi/Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/Như máu ứa một thời trai trẻ… Ông chỉ cảm nhận những tình cảm của tác giả thơ qua câu chữ. Ông liên tưởng đến điệu quân tử vu dịch: Dặm trường thân gái một mình, gánh sầu xe nửa gánh tình chia đôi mà nàng Châu Long hát tiễn Lưu Bình trước lúc đi thi trong tích chèo Lưu Bình - Dương Lễ. Nỗi buồn trong tích chèo cũng mênh mang, man mác như những câu thơ ấy và tự nhiên trong tim ông, những nốt nhạc bắt đầu thốt ra, chậm rãi, nao nao như những tiếng bước chân vọng về từ quá khứ:

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao, bước lặng trên con đường vắng năm nao, chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào, mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào… Bài hát ráo mực, ông ngồi hát một mình trên giường bệnh, lòng cảm thấy nhẹ bẫng khi nỗi buồn, nỗi cô đơn hơn cả tháng nay vợi dần và sau đó ông dần bình phục trở lại. Về nước, ông bắt tay vào việc thu âm ca khúc với tiếng hát Lệ Thu, giọng alto chuẩn, cách nhả chữ tròn trịa đã gợi được hình ảnh của những cánh phượng rơi và bước chân chậm rãi của đôi tình nhân dưới vòm lá kỷ niệm. Và bài hát như là chiếc cầu nối để nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng có thể gặp tác giả của ca từ trong ca khúc Thời hoa đỏ mà ông chưa may mắn một lần gặp mặt. Nhà thơ Thanh Tùng đã được nghe ca khúc Thời hoa đỏ qua Đài Tiếng nói VN, lấy làm ngạc nhiên khi bài thơ của mình là thơ tự do nhưng khi vào nhạc lại nuột nà đến thế. Còn nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng “muộn màng” xin phép được đổi mấy chữ: “Nhất là chữ tan tác và máu ứa, tớ thấy nó buồn quá, mà kỷ niệm thì buồn là đương nhiên, nhưng phải là cái buồn man mác, lạc quan chứ không bi lụy”. Ca khúc Thời hoa đỏ được liệt vào một trong những bản tình ca hay nhất của ca khúc Việt Nam thời đổi mới.

Những nốt nhạc tha thiết bên những ca từ đẹp, giàu tính tượng hình. Đặc biệt, đoạn điệp khúc vang lên ở đoạn cuối như là tiếng ve và tán phượng hoa tan tác rơi và bên dưới là đôi tình nhân bước đi trong kỷ niệm gợi một tình yêu đẹp đến nao lòng: Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, mỗi mùa hoa đỏ về… Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng cho rằng, ca khúc này mang âm hưởng của âm nhạc dân gian nhưng ông đã biến hóa, phát triển thành của mình, hiện đại hóa nó. Ông cũng cho rằng những ca khúc của ông đều có chất liệu dân gian như thế và đều gợi lại bóng hình quá khứ, nhưng không phải là quá khứ đã trôi đi vĩnh viễn mà là quá khứ đọng lại với cuộc sống hôm nay để người nghe soi vào đấy. Để có được điều đó với ông là sự đánh đổi cả một đời. Sinh ra từ vùng quê chiêm trũng của tỉnh Hà Nam, 9 tuổi ông theo gia đình về sống ở Thái Bình. Làng ông thường làm gàu sòng mang xuống quê lúa bán vì quê ông nghèo, lúa ít, bán gàu cũng chẳng ai mua. Thông thường mỗi chuyến đi kéo dài 1 - 2 tháng là cùng, nhưng lần đi ấy, Pháp tràn xuống quê ông nên gia đình ông ở lại Thái Bình. Tuổi thơ ông đi đánh dậm, đơm con tép bắt con cua, đói khổ nhưng bù lại, những làn điệu chèo của quê lúa dần ngấm vào máu thịt ông. Một tuổi thơ tự lập, một đời trai tự huyễn, một đời người không tự biến mình, tự lập ngay trong âm nhạc nên ông sống rất thật và đầy trách nhiệm với từng nốt nhạc.

Theo vietbao

 

Các bài viết khác:
"Bình Trị Thiên khói lửa" sống mãi với thời gian

Ai đã từng qua dải đất Bình Trị Thiên vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hẳn khó quên một bài hát viết về cuộc chiến đấu gian khổ, quyết liệt của quân và dân Bình Trị…

Hoàng Trọng và Vĩnh Phúc với Ngàn thu áo tím
Hoàng Trọng và Vĩnh Phúc với Ngàn thu áo tím

"Ngàn thu áo tím” là một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ít người để ý rằng lời bài hát rất hay này là của Vĩnh Phúc.

Thơ tình cuối mùa thu
Thơ tình cuối mùa thu

Chỉ còn anh và em  Là của mùa thu cũ  Chợt làn gió heo may  Thổi về xao động cả

Nghe bài hát

Tùng Dương Cm

Thái Bảo Ebm

Việt Hoàn Bbm

Mỹ Tâm Fm

Thu Minh Em

Hợp âm ca khúc
Thời hoa đỏ

Dưới màu [Am] hoa như lửa cháy khát khao Bước lặng [F] trên con đường vắng năm [C] nao Chỉ có [Am] tiếng ve sôi ồn [Dm] ào Mà chẳng [F] cho lòng nguôi [G] yên chút [Am] nào. Anh…