Nhạc sĩ Lam Phương: "Gom góp yêu thương quê nhà..."

Gửi bởi: intrepid | Lượt xem: 3890

Tôi đến thăm nhạc sĩ của những bản tình ca bất hủ Lam Phương tại Mỹ vào một buổi chiều trung tuần tháng 8. California trước ngày tôi đến ai cũng bảo nóng như chảo lửa, nhưng rồi lại dần dịu đi như chính câu chuyện và nụ cười ông dành cho cuộc phỏng vấn.

Nhạc sĩ Lam Phương trong cuộc trả lời phỏng vấn PV Báo Thanh Niên

Nhạc sĩ Lam Phương trong cuộc trả lời phỏng vấn PV Báo Thanh Niên

Ban đầu lẽ ra chúng tôi gặp nhau ở một quán nước. Nhưng rồi nhạc sĩ muốn tôi gặp tại ngôi nhà của ông ở TP.Fountain Valley, California. Đó là nơi ông sống thời gian qua cùng gia đình chị Bảy, em gái út của ông. “Nhà đang ngổn ngang vì mai mốt phải sửa lại”, em gái ông vừa nói vừa chỉ vào một “núi” đồ.

Phía sau cánh cửa nhà dưới, nhạc sĩ ngồi trên chiếc xe lăn quen thuộc để đợi gặp. Vẫn nụ cười hiền lành ấm áp, vẫn cách nói chuyện hóm hỉnh như bao lần tôi nhìn thấy ông trên sân khấu hải ngoại. Di chứng của tai biến mạch máu não đã làm giọng nói ông giờ đây khó nghe đi rất nhiều, và như lời em gái ông thì dạo này thi thoảng nhạc sĩ hay quên. Tuy nhiên thần sắc ông vẫn rất tốt.

Khi tôi sợ ông mệt vì phải… nhớ nhiều và nói nhiều về những chuyện không vui trong quá khứ, ông trấn an: “Không sao, tôi vẫn đủ sức khỏe”. Ông còn chỉ, kể cho tôi nghe những tấm ảnh mang nhiều kỷ niệm mà ông trân quý đang treo trên tường. Đó còn là một góc riêng để ông nhớ về những ngày đã qua và cả những người đã qua đời mình bằng cách này hay cách khác.

Nhạc sĩ Lam Phương cùng gia đình em gái út tại Mỹ

Nhạc sĩ Lam Phương cùng gia đình em gái út tại Mỹ

Tuổi thơ nghèo khó

Nhiều người yêu nhạc trong nước muốn biết ông có đủ sức khỏe để làm một chuyến trở về quê hương như lời nhạc sĩ từng nói?

Đúng là tâm nguyện lớn của tôi vẫn là được một lần về thăm quê, “gom góp yêu thương quê nhà...” (lời bài hát Tình bơ vơ). Nhưng giờ sức khỏe tôi yếu đi nhiều. Di chuyển khó khăn, mọi người đỡ lên xuống rất vất vả. Tôi bay đi xa là tim hay bị mệt, khó thở nên giờ muốn lắm mà không dám đi. Hôm rồi trước khi đi Úc 2 ngày còn nhập viện nhưng đâu dám nói sợ khán giả lo. Đi Úc cũng phải có bác sĩ chăm sóc. Tôi còn 1 em gái và cháu ở VN.

Trong số các tác phẩm để đời, bài Ngày buồn (chủ đề album ca sĩ Quang Thành sẽ phát hành vào tháng 9 tới) có phải ông cũng viết cho một bóng hồng nào đó? Từng nghe nhạc sĩ nói ca khúc Kiếp nghèo khiến ông nhớ mãi không nguôi. Vì sao thưa nhạc sĩ?

Bài Ngày buồn tôi không viết cho một ai. Tôi sáng tác cho nội dung một vở kịch trong ban kịch Sống của nghệ sĩ Túy Hồng (vợ cũ của nhạc sĩ - NV) ngày ấy. Còn sở dĩ Kiếp nghèo tôi khó quên bởi đó là cả tuổi thơ nghèo khó, vất vả tôi gởi vào đấy. Đó là những năm tháng còn quá nghèo từ Kiên Giang lên Sài Gòn để đi học. Ngày đó khổ lắm.

Kiếp nghèo còn là bài làm ông nhớ về người mẹ kính yêu của mình nhiều nhất?

Năm 12 - 13 tuổi tôi lên Sài Gòn học vì má tôi muốn con được học hành tử tế, thoát cảnh nghèo khó. Nhưng tôi quá thương má nên nói con muốn ở lại đây phụ má bán hàng. Con đi rồi sáng sáng ai dọn hàng cho má đây. Nhưng má tôi nhất định khuyên tôi đi học để có tương lai nên tôi vâng lời. Bài Khóc mẹ cũng làm tôi đau đớn khi nghe tin má tôi qua đời nhưng đã không thể có mặt bên bà.

Còn bài Thành phố buồn, Phút cuối được biết ông viết cho ca sĩ Hạnh Dung. Mỗi khi ca sĩ cất lên ca khúc, điều gì làm ông nhớ nhất?

Tôi luôn trân quý cảm xúc khi nghĩ lại hay nghe ca sĩ hát. Ngày xưa tôi sáng tác những bài ấy trong một lần lưu diễn tại Đà Lạt. Ngày đó còn trẻ nên rất lãng mạn và trí tưởng tượng cũng vô cùng phong phú. Lúc nhớ, lúc thương cộng với cảm xúc dâng trào trong một buổi chiều khi ngồi trên triền dốc nhìn xuống đồi thông tôi đã viết lên nỗi lòng mình.

Và con tim đã vui trở lại

Trong số hơn 200 tác phẩm, ở đó phần lớn ông viết cho những người mình thương lẫn… giận. Có bài nào đến tuổi này khi nhắc đến ông vẫn còn day dứt?

   

Đó là bài Lầm. Đến giờ tôi vẫn luôn nhớ (bài hát ông viết cho vợ cũ của mình - NV).

Những ai yêu nhạc Lam Phương đều biết rằng ông rất hiếm khi viết nhạc vui. Với những ca khúc rộn ràng như: Bài tango cho em, Chỉ có em, Thiên đàng ái ân… bạn bè ông nói đó là lúc Lam Phương hạnh phúc trong tình yêu. Là thời điểm ông luôn mỉm cười khi bên cạnh “giai nhân” Cẩm Hường. Ông có thể kể thêm về tình yêu màu hồng này?

Sau giai đoạn buồn khổ nhất của tôi khi mẹ qua đời sau năm 1979 và chuyện tình cảm, tôi sang Pháp rồi gặp Cẩm Hường. Cô ấy đã cảm thông cho hoàn cảnh của tôi. Và con tim tôi thay đổi, đã vui trở lại. Đó cũng là lúc tôi nhìn cuộc đời màu hồng, thấy mình hạnh phúc gần 10 năm.

Với ca sĩ M.H - người đã đưa đến cảm xúc ngọt ngào để ông viết lên Em là tất cả, hay Biển tình… hẳn đã “lấy” đi nhiều tình cảm thời trai trẻ của ông?

Câu chuyện của chúng tôi chỉ dừng lại đúng như bài hát Biển tình và cho đến sau này chúng tôi là bạn. Có những điều nên giữ làm kỷ niệm không thể kể hết. Đó là lý do tôi không viết hồi ký vì tôi biết sẽ phải viết thật, viết hết, nhưng như thế không nên. Tội cho những người từng đi qua đời mình vì họ còn cuộc sống, còn gia đình. Tôi sợ họ bị tổn thương. Vui hay buồn tôi chôn trong lòng. Mỗi bài hát tôi thường có một hình bóng, một kỷ niệm và một mối tình. Nhưng thôi không muốn kể thêm nhiều lại buồn.

Gần 65 năm sáng tác, có bài nào mà nhạc sĩ… giấu nhẹm đến hôm nay?

Có vài bài trước khi bị tai biến tôi viết và cất đi nhưng sau thời gian lại quên mất. Hiện tại đã tìm lại một số chưa công bố và tôi sẽ đưa ra trong thời gian tới. Tôi cũng đã gởi về VN cho Bến Thành Audio Video hơn 10 bài để xin cấp phép phổ biến.

Người luôn nặng tình

Ông nghĩ sao khi quá nhiều người cho rằng nhạc sĩ Lam Phương đau vì tình nhiều nhất nên viết nhạc... thất tình thấm nhất, hay nhất?

Đúng là vậy. Chuyện tình cảm của tôi buồn nhiều hơn vui. Có khi đang vui cái buồn liền. Cuộc đời tôi đâu có gì vui lâu, phần lớn là nỗi buồn. Người đến sau có thể làm mình vui nhưng cũng rất ngắn. Cũng có thời điểm rất vui, hạnh phúc nhưng sau đó lại… buồn.

Nhạc sĩ Lam Phương (giữa) cùng người thân bạn bè trong một lần sinh nhật tại Mỹ.

Nhạc sĩ Lam Phương (giữa) cùng người thân bạn bè trong một lần sinh nhật tại Mỹ.

Vậy thời trẻ làm sao ông vượt qua nỗi buồn và để nguôi đi một cuộc tình?

Để nguôi đi, thôi nhớ một người rất khó. Cách tốt nhất là chúng ta hãy thật nhanh cho người khác cơ hội. Khi có người yêu mới sẽ giúp ta nguôi đi nỗi buồn, nỗi nhớ người cũ (cười). Vì không ai có thể sống hoài với kỷ niệm buồn. Bài nào tôi cũng… đau khi viết cho một người.

Với người đầu tiên mang đến cho ông cảm xúc lớn để viết “chờ em, chờ đến bao giờ” (Chờ người) và hàng loạt bài khác là danh ca Bạch Yến. Khi không còn yêu nữa, hai người có là bạn đến sau này không?

Chúng tôi vẫn là bạn tốt. Khi ở Pháp bà vẫn về thăm tôi và gần đây cũng thế. Tôi còn là bạn cả hai vợ chồng Bạch Yến. Tôi có khoảng hơn 10 bài nổi tiếng viết cho cô ấy. Lâu lâu khi viết bài mới tôi “đá” qua chuyện cũ một chút, nhắc lại để nhớ (cười).

Cuộc sống của nhạc sĩ thời gian sau này tại Mỹ ra sao?

Tôi chủ yếu ở nhà, nhưng khi có show ở Mỹ người ta mời tham gia thì tôi nhận lời. Nhưng cũng rất hạn chế vì sức khỏe không cho phép làm nhiều. Tôi sống một mình quen rồi nên không còn thấy buồn. Biết đâu có thêm “một bà” nào đó (cười lớn). Một mình cũng có niềm vui của một mình. Tuổi này rồi ăn gì cũng được, chỉ có khó ngủ thôi.

Với tác quyền của hàng chục tác phẩm nổi tiếng, có cả ở VN và hải ngoại, nhạc sĩ có sống tốt, sống khỏe?

Tôi sống rất ổn vì nhu cầu cũng không cần gì nhiều. Tiền từ tác quyền chủ yếu lo cho gia đình, bà con, lo cho con cháu của tôi học hành, sinh sống. Ngày xưa nhờ tác quyền mà tôi mua cho mẹ được một ngôi nhà ở Sài Gòn. Cũng có nhà cho em, cho cháu ở VN. Với tôi như vậy là đủ. Ca sĩ mới, trẻ nếu có hát tôi luôn ủng hộ. Tôi chỉ muốn giúp cho họ hát, chỉ cần gởi đĩa cho mình nghe là được. Mỗi dịp sinh nhật là mọi người đến rất đông và tự nguyện hát, đông đến nỗi không có giờ để hát. Nghệ sĩ trong nước sang Mỹ đều ghé thăm tôi như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… tôi quý lắm. Tôi không nghĩ về vật chất. Tôi biết Lệ Quyên làm show hát bài của tôi thành công ở Hà Nội.

Ngoài sáng tác, ông có làm thêm nghề gì khác?

Tôi hay nói mình có đến 7 nghề là thất nghiệp (cười lớn). Nghề gì tôi cũng làm. Nói chứ hồi trẻ tôi có chơi nhạc thêm hằng đêm ở vũ trường tại Sài Gòn. Sau này tôi không còn quan trọng chuyện kiếm tiền nữa.

Theo thanhnien.vn

Các bài viết khác:
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên - Cuộc đời đầy trắc ẩn
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên - Cuộc đời đầy trắc ẩn

Nhạc sĩ được coi là người đội vương miện nhan sắc cho Đà Lạt qua ca khúc "Ai lên xứ hoa đào" này có cuộc đời với nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, kể cả cái chết của ông

Anh Tú &
Anh Tú & "The Uptignt together again" never again

Tên khai sinh Lữ Anh Tú. Sinh 1950 tại Đà Lạt. Mất 3 tháng 12 năm 2003 tại California, Hoa Kỳ Thể loại nhạc: nhạc trẻ, tình khúc. 1954-1975 hợp tác với The Blue Jets, Uptight Anh Tú là một ca…

Love of my life - Queen
Love of my life - Queen

"Love of My Life" là bản ballad của ban nhạc rock người Anh, Queen, nằm trong album A Night at the Opera (1975)

Tiểu sử Lam Phương

Lam Phương (sinh 20 tháng 3 năm 1937 - mất 23 tháng 12 năm 2020), tên thật là Lâm Đình Phùng, là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng. Ông sinh ra ở làng Vĩnh Thanh Vân, hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc miền Nam Việt Nam với khoảng 200 tác phẩm.

Xem chi tiết

Sáng tác của Lam Phương
Thành phố buồn

1. Thành phố [Em] nào nhớ không [G] em Nơi chúng [Bm] mình tìm phút êm [Em] đềm Thành phố...

Tình bơ vơ

1. Càng nhìn [D] em, yêu em hơn và yêu em [Bm] mãi Giờ [G] phút êm đềm xa [D]...

Cỏ úa

1. Còn nhớ tên [Em] nhau xin [Am] gọi trong giấc [Em] mộng Còn chút hương yêu xin [B7] đưa...

Biển tình

1. Nằm nghe sóng [C] vỗ từng lớp xa Bọt tràn theo [Am] từng làn gió [Dm] đưa [C] Một...

Phút cuối

1. Chỉ còn gần em một giây phút [C] thôi [Am] Một giây nữa thôi là xa nhau [C] rồi...