Về thôi em - Khúc tình quê ấm nồng

Gửi bởi: intrepid | Lượt xem: 2054

Những cơn mưa chiều nay về nhanh quá, làm ướt cả tóc ai vội vàng dưới mưa, ướt cả một lối mưa về… Có ai đó bảo rằng mưa làm cho con người ta mơ, người ta nhớ và suy tư nhiều hơn. Không biết ai đó thì sao nhưng với tôi như một thói quen những cơn mưa về cũng là lúc tôi lục lọi trong miền kí ức tươi nguyên của mình để tìm về những kĩ niệm đã vãn, để nhớ, để thương một khoảng trời xa xôi. Chợt nhớ về người thầy năm xưa đã dạy cho tôi cách yêu môn văn, cách yêu với quê hương, với đời và nhớ về một ngày mưa năm nào thầy đọc cho tôi nghe bài thơ : “Về thôi em” của nhà thơ Dương Quang Anh.

Thầy bảo với tôi rằng thầy say chất men tình ngất ngây mà rất đỗi thân thương sau từng câu ca. Lúc ấy có lẽ những ý nghĩ non nớt của tôi chưa hiểu đủ hết lời thầy nói nhưng đến tận bây giờ tôi đã phần nào hiểu được và càng trân trọng biết mấy “ Về thôi em”- một bản nhạc tình viết về nơi mà tôi sinh ra và lớn lên – Quảng Nam. Dường như cái tình, cái nhớ trong bài thơ không còn là của riêng Quang Anh nữa mà còn là của tôi, của bao người dân xứ Quảng dẫu xa quê hay không xa quê. Thương lắm những câu thơ :

Em ra không, mai anh về đất quảng
Trời miền nam giáp tết quá nôn nao
Thèm chi mô một chén rượu hồng đào
Dẫu chưa uống- chỉ say từ câu hát

Những ngày giáp tết thường gợi cho cõi lòng ta cái khát thèm được đoàn tụ với gia đình với quê hương và nó càng ý nghĩa hơn đối với đứa con xa xứ. Cái nôn nao của cảnh vật hay cũng chính là cái nôn nao của lòng người. Mong quá háo hức qua cái giây phút trở về quê nhà. Không biết tự bao giờ câu thơ “thèm chi mô một chén rượu hồng đào” đã trở thành câu nói quen thuộc của lũ học trò chúng tôi. Bởi vì sao ư? Bởi nó là giọng quê, là chất quê của người Quảng tôi đấy thôi. Dẫu mộc mạc mà sâu nậng ân tình. Nhắc đến xứ Quảng trong cái hình dung của đứa con xa quê không có gì đặc trưng và thân thương bằng chén rượu hồng đào quê nhà. Tình quê, nghĩa quê không cần đến những thứ cao sang để gợi mà chỉ cần một chút hương rượu cũng đủ làm quyến luyến lòng người. Chợt nhớ về câu chuyện “ Hai đứa trẻ” của Thạch Lam… Trên đền đất của phiên chợ tàn bốc lên cái mùi của rác rưởi, của vỏ thị, vỏ bưởi ấy vậy mà lại là mùi riêng của đất, của quê hương, cái mùi mặn mà thân thương mà Liên cảm nhận được.

Em ở biển ngọn khơi truồng nổng cát
Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo
Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thấm

Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm
Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo
Lận đận một đời quảy gánh gieo neo,
Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển

Nỗi nhớ cứ chồng chất nỗi nhớ, tình quê cứ chồng chất tình quê. Những câu thơ gợi về không gian sống, cảnh sinh hoạt của một vùng quê trung du. Ở nơi ấy dẫu còn nghèo khó nhưng chính cái nghèo đó làm con người ta thương quê nhiều hơn. Ở nơi ấy có những sản vật quê mà hiếm nơi nào có được: là của mì eo, là trái mít quê. Nhỏ bé, giản dị, chân chất như những con người quê nơi đây. Ai còn nhớ không câu ca dao năm nào gợi về chút gì đó rất riêng của quê hương ta đó :

“Ai ơn nhắn với bậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”

Nhớ về những mảnh hồn rất riêng của quê nhà cũng là lúc chạnh lòng đứa con xa quê nhớ về bóng hình của những người thân thương. Đó là hình bóng cha già lam lũ, bươn chải cũng đất quê khô cằn, là hình ảnh mẹ già quẩy gánh tảo tần nuôi con khôn lớn. Nhớ về quê hương cũng là lúc ta bất giác nghĩ đến cha, đến mẹ, đến những con người không gì có thể thay thê được cũng như quê hương này không có gì có thể xóa nhoà được. Dẫu miền nam ngập tràn diễm lệ kia có là quê hương thứ hai của nhà thơ đi chăng nữa nhưng nó không và chắn chắn sẽ không bao giờ sánh bằng vùng quê trung du nghèo khổ nhưng thắm đượm ân tình này được.

“ Đất dễ thấm dễ mềm lòng quyến luyến
Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay
Đờn miếu bông ai chọn phím sao dây
Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả”

Ai đã từng viết câu ca “ đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” có hay chăng chính cái thấm ấy không chỉ thấm vào đất mà còn thấm cả vào lòng người. Dường như nỗi nhớ quê luôn thường trực trong tâm thức đứa con xa quê để rồi mỗi lúc bất giác nhớ về lại càng xót xa, càng lưu luyến hơn. Cái thứ tình cảm ấy tưởng chừng như những mạch nguồn trong trẻo cứ thế, cứ thế âm ỉ chảy, dai dẳng mãi không bao giờ nguôi. Tôi chợt nghĩ vì sao đứa con xa quê ấy lại khóc theo những chuyến tàu hối hả? Theo cảm nhận của riêng tôi phải chăng cứ mỗi lần nhìn chuyến tàu qua, đứa con xa xứ lại càng nhớ nhà, nhớ quê, và như một lẽ tự nhiên nhất nước mắt lại rơi để vơi đi bao nỗi nhớ, bao khát thèm đoàn tụ. Một chuyến tàu về bao gia đình đoàn tụ, một chuyến tàu về đem theo bao nụ cười, bao hạnh phúc và cả những giọt nước mắt, một chuyến tàu về quý giá, đáng trân trọng biết mấy đối với những đứa con xa quê. Và bất giác nó vang lên thành một tiếng gọi đau đáu:

“ Về thôi em bận lòng chi xứ lạ
Sông Thu ta dẫu bên lở bên bồi
Dẫu mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi
Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi

Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải
Cha mẹ trông ta- mòn Hòn Kẽm đá dừng”

Đọc đến đây không hiểu vì sao những giọt nước mắt tôi lại rơi. Có lẽ bởi chính những câu thơ nó quá thực. Tôi tìm thấy được tất cả những gì mà quê hương tôi có. Nhà thơ không tô hồng cuộc sống nơi quê hương Quảng Nam mà ông dựng nó lên bằng một trái tim chân thật, bằng những gì có thể gọi là bình dị, là nghèo khó nhất của quê hương. Một tiếng gọi như càng làm thôi thúc hơn bước chân người trở về. Một tiếng gọi để nhắc ta không bao giờ quên con sông Thu “bên lở bên bồi”, không quên những mùa lũ về, những cơn lũ mà có thể nói là năm nào cũng có. Chợt tôi nhớ về một khoảng trời ấu thơ, những ngày lũ về, những người dân quê chúng tôi lại lênh đênh trên những chiếc bè chuối để tìm nơi cao nhất tránh lũ. Thương biết mấy những kĩ niệm ấy, thương biết mấy cái khắc nghiệt, cái gian lao của mảnh đất này. Và càng trân trọng hơn dẫu nghèo khó, dẫu bé nhỏ như những cây măng sậy kia thì người dân nơi đây vẫn bám đất, bám quê, gắn kết không thể tách rơi. Cảnh nghèo, cảnh lũ cũng không đủ đè bẹp tình quê, không đủ xóa bỏ chất keo kết dính với quê hương của những con người quê. Những câu thơ khép lại trong cái âm điệu nhẹ nhàng gợi về một điều gì đó cứ thôi thúc, cứ luyến lưu ta mãi. Vườn xưa ấy và cả cha mẹ già có hay chăng con đang ngóng về, đang nhớ trông từng tấc đất quê nhà, để hổ thẹn với lòng khi để cha mẹ ngóng trông một thời gian dài. Biết đâu khi bài thơ này khép lại sẽ mở ra hành trình cho biết bao con người xứ Quảng xa quê trở về quê nhà, và biết đâu thậm chí những người không xa quê như tôi lại càng thấy trân trọng và yêu thương quê hương mình nhiều hơn. Thương lắm đôi bờ bình yên.

Những cơn mưa đầu hạ chợt đến rồi chợt đi. Khép lại trang giấy ngày nào tôi cẩn thận ghi từng chữ bài thơ: “ Về thôi em” của nhà thơ Dương Quang Anh. Trang giấy giờ đây đã cũ nhưng cái hay, cái đẹp sau từng câu ca mãi còn đây. Trang giấy nào kể hết một tấm tình quê..
Một ngày mưa bình yên cho tâm hồn…………

Nguyễn Thị Như Thảo, lớp 11 chuyên văn Quảng Nam

Theo blog Dương Quang Anh

"

Các bài viết khác:
Về thôi em - Tiếng lòng người xa xứ

Bài thơ mở đầu bằng câu hỏi: “Em ra không mai anh về đất Quảng”. Nghe như là lời rủ rê hơn là việc thông báo. Nó làm ta nhớ đến câu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ /…

Bài thơ "Về thôi em" của Dương Quang Anh

Em ra không mai anh về đất Quảng, Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao. Thèm chi mô một chén rượu Hồng Đào, Dẫu chưa uống chỉ say từ câu hát. 

Kỷ niệm từ chiều mưa năm ấy

Hơn nửa thế kỷ trước, ca khúc “Em đến thăm anh một chiều mưa” từng làm xao xuyến bao con tim đang yêu. Tác giả của ca khúc bất hủ này giờ đã bước vào tuổi 80 nhưng vẫn còn…

Nghe bài hát
Hợp âm ca khúc
Về thôi em

Em ơi [Am] em mai anh về đất Quảng Trời miền [D] Nam giáp tết quá nôn [Am] nao Thèm chi [G] mô một chén rượu Hồng [Em] Đào Dẫu chưa [G] uống đã say từ câu [Am] hát. [E7]…