Ký vãng về Thuận Yến

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 2315

Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15.8.1932, quê ở Duy Xuyên, tham gia công tác từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc VN. Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết ngay những bài hát động viên thanh niên lên đường: “Ba lô ta buộc cho chặt”, “Vành lá ngụy trang rất xanh”... 

Năm 1965, lên đường trở lại chiến trường sáng tác, ông lấy bút danh là Thuận Yến và cho ra đời những ca khúc bất hủ. Từ đây, con đường âm nhạc của ông bắt đầu khởi sắc. Nhắc tới nhạc sĩ Thuận Yến, người ta nhớ ngay tới những bài hát hay ông viết về Bác Hồ, về người lính, người mẹ và nhiều bản tình ca được nhiều người yêu thích.

Ông đã được nhận nhiều giải thưởng: Vầng trăng Ba Đình (Giải nhất ca khúc của Bộ văn hoá, 1987), Màu hoa đỏ (Giải ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng, 1994), Chia tay hoàng hôn (Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992 - 1993 của Đài Tiếng nói VN).Ông qua đời ngày 24.5 ở tuổi 83.

Mùa hè 1983, khi người yêu nhạc vẫn nhớ giai điệu “Gửi em ở cuối sông Hồng” của Thuận Yến (thơ Dương Soái), tôi được gặp Thuận Yến trong chuyến đi sáng tác về Gia Lai - Kon Tum (khi ấy chưa tách tỉnh) cùng các nhạc sĩ Trần Chung, Văn Thắng, Xuân Giao, Thái Cơ, Vũ Thanh. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Cù Hanh (nay gọi là sân bay Pleiku), đã có một đoàn thiếu nữ áo dài ôm hoa ra đón chúng tôi. Trên ô tô về khách sạn, Thuận Yến luôn nói cười tươi tắn. Hình như lần đầu tiên, ông mới gặp gỡ Tây Nguyên. Đất lạ bao giờ cũng hấp dẫn người nghệ sĩ. Nhưng đâu phải riêng mình ông lần đầu? Các nhạc sĩ cùng đi, ngay cả Văn Thắng - tác giả “Tháng ba Tây Nguyên” (thơ Thân Như Thơ) nổi tiếng - cũng có khi mới chỉ là lần đầu từ sau khi phổ bài thơ của Thân Như Thơ. Sôi nổi có lẽ là cá tính riêng của Thuận Yến.
Trong suốt chuyến đi thực tế các huyện trong tỉnh, Thuận Yến và tôi thường xuyên bên nhau. Ông phát hiện ra tôi chính là người lính vùng đất này nên ông thường hỏi tôi những điều tôi biết và đã trải qua ở nơi đây. Và ông ghi chép khá tỉ mỉ. Ghi chép như một nhà văn viết ký sự. Một cách lọc chi tiết cho ca từ rất riêng của Thuận Yến. Ông rất thích thú khi tôi ngẫu hứng bài thơ “Kon Tum - Mùa nắng phượng”. Ông không ngần ngại thốt lên: “Hay! Tuổi trẻ đầy khám phá. Thời xưa mình cũng thế”. Đúng vậy! Không có những khám phá dù theo hướng thông thấn, thì vẫn khơi cháy cảm xúc của toàn dân thời chống Mỹ qua “Mỗi bước ta đi” - ca khúc của ông: “Mỗi bước ta đi vùi thây quân giặc cướp nước/ Mỗi bước ta đi diệt tan bao bốt đồn thù/ Theo bàn chân ta nơi nơi vùng lên/ Mỗi bàn chân ta ghi thêm một chiến công sáng soi muôn đời sau…”. Khám phá đó thấm vào cảm xúc bật ra giai điệu lôi cuốn mọi người. Và Thuận Yến đã thành công trong những khám phá để đặt tên mình vào đội hình những nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam. Đến khi ở Đắc Tô, tôi viết “Những đứa trẻ chạy chân trần trên thóc”: “Những đứa trẻ chạy chân trần trên thóc/ Chạy trên ấm no…” thì Thuận Yến nắm chặt tay tôi hát vang giai điệu hành khúc “Những bàn chân không nghỉ” của ông: “Ta ra đi khi đầu trần chân đất…”.
Đến ngã ba biên giới thì ông bần thần như bao người lính xưa từng hành quân qua đây. Cái bần thần ấy đã khiến Thuận Yến viết ra “Cảm xúc ở ngã ba biên giới” thấm đẫm chất Tây Nguyên ở cả giai điệu và nhịp điệu:
“Tôi đứng đây giữa ngã ba biên giới/ Tiếng gà gáy gọi thức cả ba nước/ Một cơn mưa thấm ướt cả ba miền/ Tôi đứng đây dưới trời xanh bát ngát/ Nghe bên kia cô gái Lào đang hát/ Điệu Lăm Tơi bên bếp lửa nhà sàn/ Nhìn sang bên tây dưới vòm cây thốt nốt/ Em bé Campuchia đang múa điệu Lăm Thôn/ Nghe như chính lòng tôi đang hát…”.

Từ sau chuyến đi, tôi hay gặp Thuận Yến. Mùa hè năm sau, 1984, đúng lúc Thuận Yến mang yêu cầu sáng tác của Quân khu 2 tới anh em, thì cũng là lúc tôi thay mặt Binh chủng Thông tin mời ông và các nhạc sĩ Văn Cao, Trần Chung, Thế Song, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Thành Nho lên sáng tác cho Nhà máy M1 ở Phúc Thọ (tiền thân của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel hôm nay). Lại một chuyến đi không thể quên. Ở nhà máy, chúng tôi được trò chuyện cùng anh hùng quân đội Đặng Đức Long (chiến sĩ Điện Biên) - Giám đốc nhà máy. 

Chuyến đi đã khiến Văn Cao để lại cho đời một ca khúc cuối cùng - bản “Tình ca trung du” bắt đầu mang hơi hướng nhạc nhẹ: “Anh mong ngày về bên núi thắm/ Những lá cọ xòe như cánh sóng…”. Đi với người đàn anh Văn Cao, Thuận Yến đã chọn một góc cảm xúc khác biệt để giọng nói của mình không bị lẫn vào các từ trường khác. Ông nhặt ra chiếc mỏ hàn mà ông nhìn thấy trong bảo tàng nhà máy làm điểm tựa cho bản hành khúc của mình: “Ngày ấy, Hà Nội đi chiến đấu/ Có người lính mang theo một chiếc mỏ hàn…”. Cách khai thác đề tài của ông đã gây ấn tượng và cũng là bài học cho thế hệ đàn em chúng tôi. 

Lại mùa hè 1994, theo yêu cầu của Nhà máy Supe Phốt-phát Lâm Thao, tôi lại tổ chức một đoàn nhạc sĩ lên nhà máy sáng tác. Trong đoàn, bên cạnh các nhạc sĩ Tân Huyền, Vũ Thanh, Hồng Đăng là Thuận Yến. Lúc này, Thuận Yến đã nổi bật như một nhạc sĩ có nhiều sáng tác về Bác Hồ như: “Bác Hồ - một tình yêu bao la”, “Vầng trăng Ba Đình” (thơ Phạm Ngọc Cảnh), “Miền Trung nhớ Bác”… nên khi tiếp xúc thực tế, ông tiếp tục viết thêm một ca khúc về đề tài này. Ca khúc “Người thăm nhà máy” của ông đã được nữ ca sĩ Thanh Thanh Hiền thể hiện. 

Rất nhớ buổi chiều đầy nắng trung du ấy. Khi tất cả đã chuẩn bị cho đêm báo cáo tác phẩm, vẫn không thấy bóng dáng Thanh Thanh Hiền đầu cả. Tôi đã bắt đầu lo lắng. Bất ngờ, khi những cái chén đang cụng vào nhau chén rượu gạo cuối cùng để bước vào chuẩn bị đêm báo cáo thì Thanh Thanh Hiền xuất hiện với tấm khăn che kín mặt đầy bụi than. Do có việc riêng, cô đã tình nguyện phóng xe máy từ Hà Nội lên nhà máy một mình và đã phóng hết tốc lực để tới kịp đêm báo cáo tác phẩm.

Tất nhiên, Thuận Yến đi viết các “địa phương ca” kiểu đó, không phải chỉ có riêng ba chuyến riêng cùng tôi, mà là rất nhiều, rất nhiều. Ở đâu, trong chuyến nào, ông cũng đều được chào đón trọng thị và nồng nhiệt. Ở đâu, ông cũng để lại một sáng tạo, mà địa phương nào, cơ sở nào cũng đều ưng ý. Nhưng suốt sự nghiệp, ông vẫn lưu tâm những sáng tạo để đời, những sáng tạo dành cho cả dân tộc và hướng tới toàn cầu.
Tôi nhớ hồi 1990, khi ấy, tôi đã về làm Tạp chí Âm nhạc. Vào một sáng gần trưa, Thuận Yến đến sân 51 Trần Hưng Đạo. Ông kéo tôi vào quán đầu sân và giở ra một bản thảo. Đó là “Chia tay hoàng hôn” (phổ thơ Hoài Vũ). Sau khi tâm sự vì sao lại phổ bài thơ tình này, ông đã hát rất xúc động cho tôi nghe các giai điệu trữ tình như gạn chắt từ rất sâu đáy lòng đã chôn chặt bao năm: “Chia tay em chia tay hoàng hôn/ Anh mang theo về tình yêu và nỗi nhớ/ Anh mang theo về con tim cô đơn…”. Cũng lâu mới thấy Thuận Yến uống nhiều như thế. Ông uống như dốc men vào giai điệu, uống như tắm cho giai điệu một lang bang phóng túng, uống như để chếnh choáng đời cân bằng chếnh choáng cảm xúc.
Không chỉ chăm sóc cho chính những sáng tạo của mình, Thuận Yến còn rất vô tư chăm sóc cho sáng tạo của những nhạc sĩ đồng nghiệp, trong đó có tôi, khi ông ở cương vị Trưởng ban Âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam. Bài hát “Lời ru mùa thu” (phổ thơ Nguyễn Duy) của tôi đã được ông cho Thanh Hoa thu thanh ở thời gian đó. Và ấn tượng nhất là bài hát viết về Thủ tướng Phạm Văn Đồng - bài “Trong mắt má yêu thương” (phổ thơ Thanh Thảo) do Thanh Vinh thể hiện trên làn sóng. Bài hát đã được đạo diễn Lâm Quang Ngọc đưa vào phim “Người Mộ Đức” làm về Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Thuận Yến là như vậy! Bình dị mà đa cảm. Lặng lẽ mà tầm vóc. Bài hát “Màu hoa đỏ” (thơ Nguyễn Đức Mậu) được ông viết ra từ những phẩm chất trên. Nó gần như đoạn kết một liên khúc dài ông viết về người lính từ “Mỗi bước ta đi” qua “Những bàn chân không nghỉ”, đến “Gửi em ở cuối sông Hồng” (thơ Dương Soái) và tới “Màu hoa đỏ”. Dù là nhạc sĩ nổi tiếng cả nước thì trong ông vẫn trắc ẩn một tâm hồn người lính. Ở góc âm thanh nào, dù là tình ca trẻ trung, vẫn nhận ra một sự mộc mạc, chân thành của người lính mà có người đã để rơi mất trên dặm dài mưu sinh qua nhiều thử thách. Ký vãng về ông là ký vãng ít ỏi của tôi về một người đàn anh mà chúng ta đều không thể quên được. Ký vãng luôn mãi xanh.

Nguồn: http://laodong.com.vn/

"

Các bài viết khác:
Nhạc sĩ "Chia tay hoàng hôn" qua đời

Thuận Yến, nhạc sĩ của những ca khúc Chia tay hoàng hôn, Màu hoa đỏ...đã từ giã cõi trần vào lúc 12g06 ngày 24-5-2014, hưởng thọ 83 tuổi.

Những bí mật lần đầu được tiết lộ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Những bí mật lần đầu được tiết lộ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tròn 13 năm kể từ ngày mất cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (01/04/2001), lần đầu tiên người bạn rất thân của ông - nhà báo Huỳnh Phi Long đã có những chia sẻ, tiết lộ về những bí mật…

Nghe vàng mùa thu sau lưng ta...
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta...

Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ người yêu nhạc đã mê đắm ca khúc Tình lỡ của nhạc sĩ Thanh Bình, nhưng lại rất ít người biết thông tin về tác giả.

Nghe bài hát

Elvis Phương Cm

Thanh Lam Em

Thanh Lam & Tùng Dương Em

Diễm Liên Abm

Huy Tâm Am

Nguyễn Hồng Ân Bm

Hoài Mỹ Fm

Hợp âm ca khúc
Chia tay hoàng hôn

Anh phải về [Em] thôi, xa em thôi Hoàng hôn yên [G] lặng cũng theo [E] về Giọt nắng cuối [C] ngày rơi xuống tóc Mà lời từ [B] biệt chẳng lên [Em] môi. Anh phải về [B] thôi xa…