Tình yêu là sự sống...

Gửi bởi: intrepid | Lượt xem: 1845

Trong kho tàng tình ca của nền âm nhạc hiện đại nước ta không thể không nhắc đến "Tình em" của Huy Du (phổ thơ Ngọc Sơn).

Năm 1962, nhạc sĩ Huy Du vừa tu nghiệp ở Trung Quốc về nước, được điều động làm Trưởng đoàn Ca múa quân đội thuộc Tổng cục Chính trị. Một lần, ông tình cờ đọc trên báo Văn nghệ bài thơ có cái tên ngồ ngộ, rất mộc mạc, chất phác: "Gửi em dưới quê làng". Dưới đầu đề bài thơ có ghi “gửi H". Đó là một bài thơ tình với những câu thơ 5 chữ được bắt đầu:

Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi…

Càng đọc ông càng đồng cảm và phát hiện ra những ý tứ rất sâu sắc ẩn chứa bên trong những từ ngữ hết sức bình dị của người làm thơ:

Có gì đâu em ơi!
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng…

Vô cùng rung động, Huy Du đã ngồi vào đàn phổ nhạc. Nhạc sĩ lựa chọn điệu pha thăng thứ và tiết tấu 6/8 để chuyển tải nội dung bài thơ. Quả là một sự chuẩn xác không thể hơn. Điệu thứ sẽ khiến phần âm nhạc trở nên lắng đọng, có chiều sâu và tiết tấu 6/8 tạo sự nhẹ nhàng, uyển chuyển rất cần thiết cho một bài tình ca.

Nếu để ý kỹ phần âm nhạc, ta sẽ thấy Huy Du triệt để tiết kiệm hình thức tiết tấu. Hầu như từ đầu đến cuối bài, nhạc sĩ chỉ sử dụng một dạng âm hình, có thay đổi chút ít ở đoạn B (từ chỗ: “Anh đi xa bao núi…”). Đó là việc ông để các tiếng cuối cùng ứng với chữ cuối của câu thơ 5 chữ ở đoạn B hát luyến 3 nốt (“khi chiếc lá xa cành. Lá không còn màu xanh. Mà sao em xa anh…).

Điều đó không phải là vô cớ, là hình thức chủ nghĩa, mà là để diễn đạt sự quấn quýt, gắn bó khăng khít của tình cảm lứa đôi. Dẫu trong hiện thực giữa cuộc chiến, chàng trai phải xa người thương của mình để lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng vẫn sáng ngời một niềm tin vào tình yêu son sắt.

Và thật hay khi tác giả thơ đã viết: “Anh đi xa bao núi. Tình em như khe suối. Lưu luyến và nhớ thương. Chảy theo anh khắp rừng…”. Bước chân trường chinh vạn dặm của anh gặp nhiều hiểm nguy gian khổ, nhưng có tình yêu của em mãnh liệt mà kín đáo, khiêm nhường, e ấp như khe suối luồn lách qua bao chân núi, dõi theo từng bước hành quân chinh chiến của anh.

Rồi kế tiếp, em sẽ “theo anh cùng nương rẫy” và dẫu anh có “đi biệt tháng ngày”, tình em vẫn “như sông dài”. Sông chở đầy nước, ăm ắp cuộn dâng như sự đầy đặn của tình em vậy.

"Tình em" là một bản tình ca hoàn chỉnh giữa lời ca và âm nhạc. Tình cảm lứa đôi diễn tả trong bài hát mềm mại, tha thiết, đắm say nhưng không mềm yếu, ủy mị mà rất cao đẹp, đầy vị tha. "Tình em" của Huy Du và Ngọc Sơn cũng như "Tình ca" của Hoàng Việt và rất nhiều bài khác trong nền âm nhạc cách mạng luôn gắn tình yêu lứa đôi với bối cảnh của đất nước.

Tình riêng luôn hòa trong tình cảm chung của dân tộc và đặc biệt là luôn lạc quan, lành mạnh, cao đẹp. Những bài tình ca đó đã kế thừa tâm lý truyền thống của người Việt (hãy thử nghe tất cả những bài dân ca về tình yêu lứa đôi sẽ không thấy có bài nào buồn bã, ủy mị mà luôn tươi vui, lạc quan).

Đôi điều liên quan đến "Tình em", có lẽ không nhiều người biết: Sau khi nghe bài hát một nhạc sĩ nổi tiếng phổ thơ mình lan truyền, một lần Ngọc Sơn tìm gặp nhạc sĩ. Tác giả thơ cho Huy Du biết: thật là tình cờ và và thú vị, nhạc sĩ đã đổi tên bài thơ "Gửi em dưới quê làng" thành "Tình em" đúng như tên gọi ban đầu Ngọc Sơn đặt. Số là hồi ấy, các cơ quan truyền thông rất ngại đả động đến tình yêu nên đã tự động sửa "Tình em" thành "Gửi em dưới quê làng".

Bài hát do nghệ sĩ Quý Dương hát lần đầu tiên đã được người nghe rất ưa thích nhưng bị… xếp xó một thời gian do trong chiến tranh người ta ngại nói đến đề tài tình yêu. Mãi sau này "Tình em” mới được phục hồi để có “số phận” thật tốt đẹp: ai ai cũng ưa thích./.

Theo vov.vn

Các bài viết khác:
Bài thơ
Bài thơ "Bất chợt trên bến đò ngang" của nhạc sỹ Đynh Trầm Ca

Chiều qua bến đò ngang tình cờ nghe bài hát cũ  Người hành khất mù và cô gái nhỏ  Cây guitar lạc phím cũ mèm  Chiếc thau nhôm móp méo vàng ố những đồng tiền

Màu thời gian  - Thơ Đoàn Phú Tứ
Màu thời gian - Thơ Đoàn Phú Tứ

Được in trên báo Ngày nay, số Tết 1940, được coi là tiêu biểu cho sự đổi mới về cả hình thức lẫn nội dung, mà “Xuân Thu Nhã Tập” theo đuổi. Ngay sau đó, bài thơ được nhạc sĩ…

Nhạc sĩ Hồ Bắc viết “Sài Gòn quật khởi” như thế nào?
Nhạc sĩ Hồ Bắc viết “Sài Gòn quật khởi” như thế nào?

Có một giai điệu mà mỗi dịp 30/4 đến, nhiều người lại nhớ. Đó là ca khúc Sài Gòn quật khởi của nhạc sĩ Hồ Bắc: “Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn/ Khi con…

Nghe bài hát
Hợp âm ca khúc
Tình em

[Em] Khi chiếc lá xa [Bm] cành [D] Lá không [Bm] còn màu [Em] xanh [Am] Mà sao [D] em xa [G] anh [C] Đời vẫn xanh rời [B7] rợi. [Am] Có gì [B7] đâu em [Em] ơi Tình yêu…