Tiếng hát từ thành phố mang tên Người - Qua bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Đình San

Gửi bởi: kynguyen65 | Lượt xem: 5381

Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, đất nước được thống nhất, hàng loạt bài hát về sự kiện này đã ra đời. Trong những ngày vui lớn lao nhất của dân tộc, không thể không nhớ đến vị lãnh tụ vĩ đại, kính yêu. Khi ấy, Người đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng vẫn mãi như còn hiện hữu bên cạnh chúng ta, trong mỗi người dân Việt Nam. Trong âm điệu hào hùng chung của âm nhạc thời kỳ này, người ta thấy vút lên một ca khúc độc đáo tưởng nhớ Bác, ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của người nghe. Đó là bài “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của nhạc sĩ Cao Việt Bách (lâu nay vẫn được giới thiệu: có sự liên danh làm phần lời ca của Đăng Trung):

“Từ thành phố này Người đã ra đi. Bao năm ước mong đón Bác trở về. Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân…”. Ngay vào đầu bài hát, âm nhạc đã vút lên ở âm khu cao với một không khí rất hào hùng, sôi nổi, kể về sự kiện diễn ra vào năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn lên tàu thủy xuất dương tìm đường cứu nước. Và hơn 60 năm sau, thành phố nơi Người ra đi đã được hoàn toàn giải phóng.

 

Rất thú vị, tác giả đề cập một chi tiết thật cảm động, biểu hiện sinh động tấm lòng, tính cách nhân văn lớn lao của Người: “Bác đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con. Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”. (Tác giả nhớ lại sự việc đã đi vào lịch sử: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cầm đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III, đệm cho toàn thể đại biểu dự cùng đồng thanh hát bài Kết đoàn: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang…”).

Tiếp sang đoạn B của ca khúc, tác giả vẫn củng cố những âm hình tiết tấu ở đoạn A mà sự xuất hiện những chùm 3 (triolet) đã khiến giai điệu có sự chuyển động lung linh, sôi nổi, hào sảng và hoành tráng: “Thành phố Hồ Chí Minh, ngời ngời rực sáng tương lai. Trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác. Lời Bác thiết tha, dìu dắt chúng ta. Sáng mãi tên Người - thành phố Hồ Chí Minh”.

“Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” là một ca khúc ngắn gọn, có bố cục chặt chẽ, hợp lý, tác giả lại có tư duy khí nhạc trong sáng tác bài hát, tạo được những quãng giai điệu mới lạ, nghe thú vị, phong phú màu âm. Tuy ngắn và dung dị, nhưng nghe rất bề thế. Bài hát có thể được trình diễn ở rất nhiều hình thức, đều đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là phối âm thành hợp xướng, có nhạc đệm hoặc không nhạc đệm (acapelle) với phần lĩnh xướng hoành tráng. Chính vì giai điệu giàu yếu tố hòa thanh mà nhạc sĩ Cao Việt Bách đã từng chuyển tác phẩm thành nhạc không lời, đã được một dàn nhạc giao hưởng của Đức diễn tấu rất thành công.

Mấy chục năm trôi qua, ngày nay thế hệ chúng tôi nghe bài hát này, vẫn thấy tươi rói và rưng rưng nước mắt nghĩ rằng “Bác vẫn đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con, Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”.

Và lớp trẻ bây giờ cũng vậy. Mong sao sẽ có nhiều ca sĩ và dàn nhạc thực hiện bài hát này thật hay, để cảm xúc về Bác, về một dân tộc vĩ đại đã sinh ra Người được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác./.

Theo VOV.vn

Các bài viết khác:
Nhạc sĩ Tố Hải: Gọi xuân về qua khúc hát
Nhạc sĩ Tố Hải: Gọi xuân về qua khúc hát

Chỉ với một bài hát “Đắk-krông mùa xuân về”, nhạc sĩ Tố Hải đã đủ khẳng định mình trong làng âm nhạc Việt Nam. Và dù tới hôm nay, gia tài âm nhạc của Tố Hải lên tới gần 300…

Chuyện chưa kể về bài hát
Chuyện chưa kể về bài hát " Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi

Mỗi lần xa quê hương, xa đất nước mà nghe nhạc hiệu “Diệt phát xít” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) thì lòng tôi cứ xốn xang, bồi hồi. Tôi đã đôi lần trải qua những thời khắc…

Nhạc sỹ Thăng Long (1936-2008) - Quen Nhau Trên Đường Về
Nhạc sỹ Thăng Long (1936-2008) - Quen Nhau Trên Đường Về

Đối với nhiều quý vị yêu nhạc xưa thì cái tên ‘nhạc sỹ Thăng Long’ có thể hãy còn xa lạ. Tuy nhiên riêng với những ai sinh ra và lớn lên trước năm 1975 ở miền Nam thì nhạc…

Nghe bài hát
Hợp âm ca khúc
Tiếng hát từ thành phố mang tên Người

1. Từ thành phố [G7] này Người đã ra [C] đi [Bm] Bao năm ước [F] mong đón Bác trở [G7] về [C] Trong chiến dịch [Dm] này Bác đã cùng [G7] về với những đoàn [C] quân [Am] Bác…