Hoàn cảnh ra đời bài hát Con thuyền không bến

Gửi bởi: cobedanau | Lượt xem: 11465

Con thuyền không bến là một trong ba nhạc phẩm của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Cùng với Giọt mưa thu, ca khúc này được xem là một trong những tác phẩm bất hủ của tân nhạc Việt Nam.

Về hoàn cảnh ra đời của Con thuyền không bến, có tài liệu cho rằng ca khúc này được Đặng Thế Phong hoàn chỉnh ở Nam Vang và lần đầu trình diễn tại rạp Olympia, Hà Nội năm 1941. Theo một bài viết của nhạc sĩ Lê Hoàng Long:

"Năm 1940, Đặng Thế Phong phải tạm xa cô Tuyết (người yêu của ông khi đó) để lên Bắc Giang ít ngày. Ai đã đến Bắc Giang là biết thị xã này có con sông Thương, một con sông có hai dòng nước, bên đục, bên trong. Kẻ viết bài này, lúc bé học ở Bắc Giang, vào những ngày hè nóng bức, cùng bạn bè ra sông bơi. Đứng từ trên cầu ra tháp nước khá cao, nhìn thấy rõ hai dòng nước đục trong rõ rệt! Ở Bắc Giang, một buổi tối trăng sao vằng vặc, Đặng Thế Phong đã cùng bạn bè thuê thuyền cắm sào rồi cùng nhau chén chú, chén anh hàn huyên mọi chuyện. Đang lúc đang vui thì có người ra đưa cho Đặng Thế Phong một bao thư. Ông ngưng ngay chuyện trò và vào trong khoang, lấy bao diêm ra đốt lửa để coi thư và đây đúng là thư của cô Tuyết, từ thành Nam gửi lên cho ông. Đọc xong thư, ông có vẻ buồn và suy nghĩ. Bạn bè thắc mắc nên hỏi, được ông cho biết thư báo tin cô Tuyết nhuốm bệnh cả tuần rồi và nhớ ông lung lắm nên có lẽ ông phải về Nam Định gấp! Chính đêm này, lúc đêm sắp tàn, Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được, đã ngồi dậy sáng tác được tác phẩm Con thuyền không bến buồn não ruột...

Hai hôm sau Đặng Thế Phong từ giã bạn bè, rút ngắn thời gian để về Nam Định. Được tin Đặng Thế Phong đã về, cô Tuyết thấy bệnh thuyên giảm rất nhanh. Và tối hôm sau hai người hẹn gặp lại nhau. Lúc ấy miền Bắc đang vào Thu, gió heo may kéo về mang cái lạnh. Tối hôm ấy trăng lên muộn, trời tối gió nhẹ làm cho hai người thấy thích thú đi bên nhau để sưởi ấm lòng nhau sau bao ngày xa cách. Dìu nhau đến nơi cũ, Đặng Thế Phong ghé sát tai cô Tuyết, hát nhẹ nhàng, giọng dạt dào tình cảm như rót vào tai cô bài Con thuyền không bến mà ông vừa sáng tác trong một đêm trắng trên sông Thương vì thương nhớ cô...

Nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy

...Bây giờ, người nghệ sĩ không còn đứng trong khu vườn nhỏ của mình nữa, anh dắt ta ra trước cảnh thu về trên một dòng sông:

Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng...

Dường như Đặng Thế Phong đã nói lên được tâm trạng của thanh niên nam nữ trong thời đại. Họ sống dưới thời cai trị của thực dân và họ bơ vơ lạc lõng như những con thuyền không bến. Nhưng con thuyền này phải là con thuyền trôi trên một dòng sông dân tộc, dòng sông Thương (ai ơi) nước chảy đôi dòng. Quan trọng nhất là con thuyền phải trôi trong một mùa thu Việt Nam có gió heo may, có sương lam mờ chân mây, có gió van thông ngàn và có ánh trăng mờ chiếu... Nếu là con thuyền trôi trong mùa hè hay trôi trên sông Seine thì chưa chắc bài hát có thể quyến rũ và ám ảnh chúng ta từ lâu và mãi mãi được:

Lướt theo chiều gió
Một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chẩy đôi dòng
Biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền, trôi nơi đâu
Trôi trên sông Thương
Nào ai biết nông sâu

Bài Con thuyền không bến còn có một ưu điểm là được soạn với một giai điệu ngũ cung, dạng 2 (Ré Fa Sol La Do - nốt Mi trong bài chỉ là nốt thoáng qua) nghe như hát sa mạc hay ngâm Kiều. Nhạc sĩ Pháp Debussy, khi đi tìm chất liệu mới trong nhạc ngũ cung, đã có một câu nhạc tương tự như nét nhạc của câu hát mở đầu:

Đêm nay Thu sang cùng heo may...

Ngoài ra, trong Con thuyền không bến còn có những đoạn hát với "nhịp chỏi" (syncope), một thứ nhịp ta thường thấy trong những bản hát Chèo:

Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương
Thuyền (syncope) mơ (syncope) buông xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha (syncope)
Thuyền ơi, đừng chờ mong
Ánh trăng mờ chiếu
Một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la
Thuyền mơ bến nơi đâu

http://vi.wikipedia.org

Các bài viết khác:
Đi tìm
Đi tìm "sông Tương"

Kể từ khi Kim Trọng trao trả Thúy Kiều chiếc kim thoa cài tóc và hai bên trao đổi kỷ vật kèm theo những lời thề nguyền gắn bó keo sơn, chàng Kim trở về nơi thư viện, còn nàng…

Lý do ra đời bài hát
Lý do ra đời bài hát "Ai về sông Tương" và ý nghĩa nghệ danh "Thông Đạt"

Ai về sông Tương được viết vào năm 1949. Về ca khúc này có một giai thoại: Những năm cuối thập niên 1940 đó, Văn Giảng có chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế, một số hành khúc…

Chút tình đầu
Chút tình đầu

'Phượng Hồng' được nhạc sĩ  Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ 'Chút tình đầu' của Đỗ Trung Quân trong năm 1984. Mối tình đầu của tôi êm đềm như thơ và nàng thì thẹn thùng như cỏ trinh nữ.

Hợp âm ca khúc
Con thuyền không bến

Đêm nay thu [A7] sang cùng heo [Dm] may Đêm nay sương [Gm] lam mờ chân mây [Dm] Thuyền ai lờ [F] lững trôi xuôi [Dm] dòng Như nhớ thương [C] ai chùng tơ [Dm] lòng Trong cây hơi [A7]…